Thất nghiệp, dựng lều ở bãi rác bỏ hoang làm nhà
Nép sau những con rạch đã chuyển màu, ruồi muỗi ken đặc sau chung cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), 2 vợ chồng của chị Trang (37 tuổi, người gốc Chăm) gần 2 năm đã sống nương tựa hoàn toàn vào bãi rác.
Theo đó, Quốc Chiến - người ghi lại câu chuyện của 2 vợ chồng chị Trang kể lại, bản thân đã đến thăm các hộ gia đình sinh sống gần bãi rác xã Bình Hưng, H. Bình Chánh trong buổi chiều buồn. Giữa các khu đất quy hoạch để xây công trình, các đống rác sinh hoạt ngổn ngang trên mặt đường, dưới kênh rạch. Ấy vậy nhưng đây chính là "nguồn sống" của hơn 20 hộ dân.
"Một số gia đình có điều kiện thì còn thuê trọ, tháng hơn triệu đồng. Một số quá nghèo thì chỉ dựng tạm chiếc chòi lá trên bãi rác rộng lớn. Rác ở khắp mọi nơi, thậm chí tràn vào những căn chòi tạm thấp thoáng 2 bên đường, mùi hôi hám xông lên nồng nặc. Thế nhưng, đây cũng chính là nguồn sống của người dân địa phương" - anh kể lại.
Những đống rác ngập ngụa khắp nơi khiến môi trường ô nhiễm.
Hơn 10 năm trước, 2 vợ chồng chị Trang vào Sài Gòn hành nghề phụ hồ cho các công trình cao tầng. Thế nhưng, cách đây 2 năm từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cả 2 thất nghiệp, chị Trang cùng chồng trả phòng trọ, đành dựng căn chòi giữa bãi rác bỏ hoang làm nhà, đi đào bới ve chai làm kế sinh nhai.
"Tụi em sống ở đây, không dám ra ngoài vì sợ người ta kỳ thị. Mình đào bới ve chai dưới rác, mỗi ngày nhiều thì được 100.000 - 150.000 đồng. Số tiền này cũng chỉ vừa đủ cho ăn uống, mua nước sinh hoạt và nhang muỗi trong ngày mà thôi", chị Trang cho hay.
Chị Trang đang mang thai đứa con thứ 3. Vào thai kỳ tháng thứ 7, trong lúc đang đi nhặt rác thì bụng chị đau dữ dội. Hàng xóm thương, gom tiền để đưa chị vào viện. Thế nhưng, khi nghe bác sĩ nói thai động, cần phải dưỡng thai tại bệnh viện để đẻ mổ, nghĩ đến túi tiền đã cạn, chị Trang đành xin được trở về.
"Lúc đó chị còn bảo là cho nợ, đến giờ hơn 1 triệu mấy tiền viện phí chị vẫn chưa trả được. Giờ thai đã lớn, em cũng không biết sắp tới sẽ sinh con ở đâu", Trang cúi đầu kể.
Chị Trang đã sắp đến ngày sinh nhưng không biết tương lai mình sẽ đi về đâu. Căn chòi dựng tạm nhếch nhác để cả nhà sống qua ngày.
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong bãi rác.
Không những thế, nhiều đứa trẻ theo cha mẹ đi tha hương, chúng được sinh ra và lớn lên trên những bãi rác.
"Ở đây con bệnh mất…"
Anh Quốc Chiến kể, hiện tại quanh đây có hơn 20 đứa trẻ lớn nhỏ sinh sống. Vì bố mẹ là dân tứ xứ, không có nghề nghiệp ổn định nên tương lai của tất cả đều gần như mờ mịt.
Riêng chị Trang vì thấy muỗi nhiều, gây bệnh cho con nên thời gian gần đây đã gửi con cho người quen nhờ nuôi dưỡng.
"Còn đứa này sinh ra em vẫn chưa biết sao, ở đây con bệnh mất…", vừa nói chị Trang vừa chỉ vào người ông xã. Theo đó, vì khoảng thời gian làm việc trong môi trường ô nhiễm lâu ngày, chồng chị Trang thường xuyên ngứa, đau nhức vào buổi tối. "Hai vợ chồng chưa đi khám nên không biết là bị gì, chỉ có lần ngứa quá, anh ấy lấy dầu thoa lên thì thấy dưới da có gì bò lúc nhúc nên liền lấy vật nhọn rạch thử thì có con gì chui ra" - chị Trang kể lại.
Chồng chị sau thời gian đào bới trong rác nhiều đã bị nhiễm kí sinh trùng nặng.
Những đứa trẻ theo cha mẹ, phải sống cảnh rày đây mai đó.
Kể về dự tính tương lại, cả 2 vợ chồng chị chỉ còn thấy mờ mịt. Họ chỉ mong ước có được một chiếc xe để khi sinh con có một "ngôi nhà di động", vừa chăm con, vừa có thể đi nhặt nhạnh ve chai khắp Sài Gòn.
"Nói vậy thôi chứ chị biết nhiều tiền lắm, nên cứ nhìn người ta nhưng chưa bao giờ dám hỏi giá" - chị Trang nghẹn ngào.
Bà Hiệp (người dân địa phương ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ: "Bao nhiêu năm nay cứ thấy vợ chồng Trang sống vậy. Đợt Trang động thai, tôi phải đi xin tiền cho cô ấy nhập viện. Chỉ ước sinh con ra có căn chòi, căn trọ ở thuê, hoặc một chiếc xe làm nhà lưu động… Nhưng tiền bạc nhiều nên không biết vợ chồng Trang có thực hiện được không?".