Quan điểm phổ biến cho rằng, sống ở quê vốn được xem có mức chi phí sinh hoạt thấp thì có thể dễ dàng tiết kiệm tiền. Còn thực tế, dù bạn có lương cao hay thấp thì khả năng vun vén và kỷ luật bản thân mới là yếu tố quyết định độ dày của quỹ tiết kiệm, chứ không phải nơi sinh sống. Câu chuyện của cặp vợ chồng 30 tuổi dưới đây là ví dụ.
Tổng lương của hai vợ chồng là 24 triệu đồng/tháng - một mức thu nhập khá tốt so với nơi sống là vùng quê. Cặp đôi đang sống cùng bố mẹ chồng, cụ nội của chồng và 2 con (1 bé 6 tuổi, 1 bé 18 tháng).
"Thu nhập như vậy so với mức sống ở quê thì cũng là nhiều, nhưng em không hiểu sao tháng nào nhà em tiêu cũng hết, hoặc để được khoảng 2-3 triệu vào tiết kiệm thôi", là lời trăn trở của cặp đôi này.
Các khoản chi tiêu hàng tháng trung bình của cặp đôi như sau:
- Tiền chợ đưa mẹ chồng: 2 triệu đồng.
- Tiền lãi ngân hàng: 1 triệu đồng.
- Tiền ăn của 2 con: 3,4 triệu đồng (gồm 2,4 triệu đồng tiền sữa cho 2 con, 1 triệu đồng tiền ăn vặt).
- Tiền điện: 2-3 triệu đồng.
- Tiền xăng xe đi lại, tiêu vặt lúc đi làm: 1 triệu đồng.
- Tiền phát sinh (hiếu hỉ, đi chơi, mua mỹ phẩm,...): 2 triệu đồng.
- Tiền đi chợ của vợ chồng: 1-2 triệu đồng.
- Tiền học của con: 1,8 triệu đồng/tháng.
- Còn lại dùng để mua sắm linh tinh.
Nhiều người đọc bài xong đều chung nhận định, họ cần tiết kiệm lại chi tiêu và quản lý tài chính rõ ràng, có kế hoạch hơn thì mới mong cuối tháng có nhiều tiền dư.
- Mình nghĩ bạn nên tính tổng các khoản cho phí cố định hàng tháng, xong cất riêng ra. Sau đó bạn dự trù phát sinh một khoản, còn lại để tiết kiệm. Có tiền lương là bạn tiết kiệm trước, chi tiêu xong. Chứ tiêu tiền xong mới thấy còn bao nhiêu thừa mới đi tiết kiệm thì không biết bao nhiêu là đủ. Cầm tiền trong tay thì cứ phải gọi là xoè không biết điểm dừng, mà toàn tiêu vào những khoản không tên thôi.
- Tốt nhất bạn nên ghi chép chi tiêu hàng ngày, tiêu 1 ngàn đồng cũng ghi vào. Cuối tháng tổng kết lại để thấy mình tiêu vào đâu và khoản nào là khoản phát sinh. Và khi lấy lương, bạn nên trích hẳn 1 khoản tiết kiệm riêng rồi hẵng chi tiêu sau.
- Mình thấy trong cả cách ghi chép chi tiêu, bạn cũng không liệt kê rõ mình chi khoản nào. Điều này cho thấy bạn không chỉ không biết kiểm soát chi tiêu, mà còn tiêu xài tiền không có kế hoạch.
- Mình thấy bạn đang chi tiêu những khoản tối thiểu mà vẫn không nhớ tiêu cái gì. Thì tốt nhất mỗi tháng bạn nên trích ra 10 triệu đồng chuyển vào riêng tài khoản khác. Thừa thiếu như nào cuối tháng nhìn ra hết.
Nhìn vào câu chuyện của cặp đôi trên mới thấy, thu nhập cao hay thấp thực ra không phải là vấn đề có thể quyết định việc bạn có tiết kiệm được hay không. Dưới đây là một vài gợi ý để họ cải thiện tình hình tài chính của gia đình:
1- Ghi chép lại từng khoản thu chi hàng ngày
Muốn tiết kiệm, hoặc ít nhất là cải thiện thói quen chi tiêu theo hướng tích cực thì bạn nên biết mỗi tháng mình chi bao nhiêu, tiêu tiền vào những khoản mục nào. Từ đó, bạn không chỉ biết mức chi tiêu trung bình hàng tháng, mà còn cắt bỏ đi những khoản chi tiêu hoang phí.
Việc ghi chép chi tiêu có thể gây khó khăn cho những người mới bắt đầu. Tuy nhiên, chỉ cần chăm chỉ ghi chép từng khoản thu chi hàng ngày 1-2 tháng, bạn sẽ biết được con số cụ thể về mức sống của mình.
2- Biết "đủ"
Nhìn vào khoản chi của cặp đôi, không khó để nhận ra họ chi nhiều cho các nhu cầu linh tinh. Sống tiết kiệm là biết chi tiền vào những nhu cầu cần thiết, đồng thời loại bỏ đi nhu cầu sống dư thừa.
Cặp đôi cho biết, họ chưa biết cách gia tăng thu nhập, do đó để có thêm tiền dư thì cách duy nhất hiện tại chỉ có thể là hạ các khoản tiêu dùng. Mà để làm được điều đó, họ cần mua đồ có chọn lọc hơn, chi tiêu tiết kiệm và phù hợp với mức thu nhập hiện tại.
3- Có con số cụ thể về mức tiết kiệm hàng tháng
Sau khi có bảng thu chi hàng tháng, cặp đôi nên có con số cụ thể về mức tiết kiệm phù hợp với nhu cầu sống và tình hình tài chính của mình. Hãy thực hiện quy tắc "tiết kiệm trước - chi tiêu sau" tức sau khi nhận lương, chuyển thẳng một khoản tiền vào quỹ tiết kiệm, còn lại bao nhiêu mới cân đối chi phí sinh hoạt trong khoản tiền dư đang có.