Câu chuyện sinh nhiều con của cặp vợ chồng người dân tộc ở Gia Lai từng khiến dư luận không khỏi xôn xao. Anh Siu Long (52 tuổi) và chị Loan (45 tuổi) đã có với nhau 15 đứa con, 10 gái, 5 trai. Đứa lớn nhất nay đã 25 tuổi, bé nhỏ nhất gần 3 tuổi. Gia đình đông con hiện đang sinh sống tại ngôi nhà nhỏ cấp 4 ở huyện Chư Pưh. Dẫu còn nghèo khó song chưa khi nào ngôi nhà vơi bớt tiếng cười trẻ thơ.
Vợ chồng anh Siu Long sinh 15 con
Đông con, vợ chồng anh Long không nhớ nổi hết tên hoặc năm sinh từng đứa. Có ai hỏi, anh chỉ kể một hồi rồi ngập ngừng cười trừ vì không liệt kê nổi nữa.
“Nuôi 15 đứa vợ chồng tôi cũng có lúc đuối sức. Bữa có hàng xóm cũng hỏi rằng “Làm sao mi đẻ con nhiều vậy”, tôi chưa kịp trả lời thì có người đáp dùm: “Nó đẻ nhiều, nó nuôi. Con mi nuôi đâu mà mi lo””, anh Long kể.
Vợ chồng anh Long đi làm thuê, ai mướn gì làm đó. Có hôm đi làm rẫy, cắt lúa, được người ta trả công vài trăm ngàn. Nhưng số tiền đó không thấm vào đâu khi phải nuôi 15 miệng ăn.
Mỗi bữa anh Long nấu khoảng 6 ký gạo, chia làm 3 xoong cơm, mỗi bữa ăn hết 1 xoong. Bao gạo mua để ở bếp chỉ ăn trong 1 tuần là hết. Không có tiền mua thịt cá, bữa cơm đạm bạc của cặp vợ chồng chỉ có canh rau, có hôm hái lá đu đủ về xào, hôm ăn lá mì.
Chỉ có 4 đứa trẻ được cha mẹ cho đi học, còn lại nghỉ ở nhà. Hiện có hai bé gái đã lập gia đình. Hai con rể và hai đứa cháu ngoại cũng ở chung nhà cùng vợ chồng anh Long.
Đến bữa chỉ có cơm trắng và canh bí đao
Đến Tết, cả gia đình chỉ quanh quẩn ở nhà. Việc mua sắm bánh kẹo, quần áo mới cho lũ trẻ là điều xa xỉ. Căn nhà của hai vợ chồng đã xuống cấp, không có tivi, tủ lạnh hay bất kỳ đồ đạc gì giá trị. Ở trong buồng, ngổn ngang quần áo, đồ đạc vắt lên giường.
“Vợ bảo ra ngoài chơi Tết đi, nhưng tôi làm gì có tiền, tiền đâu mà đi”, anh Long trầm buồn.
Mỗi bữa gia đình ăn hết 6 ký gạo
Vợ chồng ngủ riêng giường
Ông bố 52 tuổi cho biết giai đoạn khó khăn nhất của hai vợ chồng là lúc giếng hết nước, phải đi xin từng xô nước về nấu nướng, tắm rửa cho các con. Có hôm đi làm về mệt quá, vợ chồng anh cũng chẳng đủ sức để tắm cho từng đứa. Những đứa trẻ mặc quần áo cũ, gương mặt lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Những hôm lên nương làm rẫy, chúng lại quấn quýt, bám theo xe cha đòi đi.
“Khi nào vợ ở nhà, tôi sẽ đi hoặc tôi đi thì vợ ở nhà. Có hôm chở 6 đứa trên chiếc xe máy, bị cán bộ công an gọi lại, thấy xe đông quá anh hỏi: Sao đẻ gì mà nhiều thế?”, anh Long nói.
Chiếc xe máy cà tàng là vật giá trị nhất của anh Long
Vợ anh Long sinh thường, trong đó có 14 đứa trẻ sinh ở nhà, chỉ có duy nhất một bé trai chào đời ở viện. Anh Long kể, trước đây khi đẻ đến đứa thứ 3, vợ chồng anh đã xuống bệnh viện thành phố để triệt sản. Nhưng bác sĩ nói nếu triệt sản sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của vợ nên anh đành đưa vợ quay về. Khi vợ có thai đứa thứ 4, thứ 5, anh không nỡ phá bỏ vì dẫu sao cũng là con mình.
Khi được hỏi có biết tới biện pháp phòng ngừa thai hay không, anh Long cười rồi gật đầu.
“Mình biết chứ, cũng được cán bộ tuyên truyền rồi nhưng không biết mua ở đâu, không biết cách sử dụng. Giờ hai vợ chồng không ngủ cùng nhau nữa, vì cứ ngủ chung là lại đẻ”, anh Long nói.
Bên trong căn nhà ẩm thấp, chật chội
Thấm thía cái khổ cái cực khi sinh nhiều con, nhất là khi không lo đầy đủ cho các con như bạn bè cùng trang lứa, vợ chồng anh Long buồn rầu. Giờ anh không dám ước mơ gì to tát, chỉ mong hai vợ chồng khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật để có thể tập trung làm lụng kiếm tiền nuôi con.
Nguồn: Phong Bụi, Bùi Hồ TV