Vỏ bọc hoàn hảo của điệp viên MI6 hai mang

Hoàng Nam |

Tháng 6/1951, chính phủ Anh thừa nhận rằng hai nhà ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao đã biến mất. Một người là Donald Maclean đã vuột khỏi tầm tay của phản gián Anh chỉ ba ngày trước khi dự kiến bị thẩm vấn về cáo buộc chuyển tin mật cho Nga. Với người còn lại Guy Burgess, thông tin còn bất ngờ hơn nữa.

Là một người đàn ông khéo léo, quyến rũ và có mối quan hệ rộng, Burgess hoàn toàn có cơ sở để trở thành điệp viên nhưng không ai từng nghi ngờ ông ta thực sự làm vậy.

Người này trở nên đặc biệt trong giới tình báo giữa thế kỷ trước, bởi ở thời điểm mà đồng tính luyến ái vẫn còn là hành vi bất hợp pháp, thì ông ta đã không hề giấu giếm về khuynh hướng tình dục bị xem là “khác người” của mình.

Vỏ bọc hoàn hảo của điệp viên MI6 hai mang - Ảnh 1.

Guy Burgess (trái) và một nhà viết sử.

Sáng 7/6/1951, mẹ của nhà ngoại giao Anh Guy Burgess đột nhiên có linh cảm xấu khi đọc dòng tít “Cảnh sát Anh đang truy bắt hai người Anh đang trên đường trốn tới Liên Xô” chạy lớn trên trang nhất của tờ Daily Express. Theo thông tin được nêu trong bài viết, cảnh sát Anh đang truy bắt hai người đàn ông đã được Bộ Ngoại giao Anh tuyển mộ.

Hai người này được cho là đã chạy trốn khỏi London với ý định đào tẩu tới Moscow. Ngay sau khi đọc bản tin, bà Evelyn Bassett vội vã nhấc điện thoại gọi cho bạn thân của con trai tên Anthony Blunt. “Cháu có nghĩ rằng thông tin trên tờ Express về việc hai người thuộc Bộ Ngoại giao đang tìm cách bỏ trốn tới Nga là nói về Guy?”, bà Bassett hỏi.

Blunt nói chưa đọc được thông tin nên bà mẹ vội vã cúp máy rồi lật giở, đọc lại bản tin trước khi tiếp tục gọi điện cho con trai út tên Nigel. “Có thể một trong hai người được nói đến trong bản tin chính là anh Guy”, bà nói.

Thoạt nghe, người đọc có thể nghĩ đó là một cảnh trong một bộ phim về đề tài gián điệp. Tuy nhiên, đây chính xác là sự việc đã diễn ra vào năm 1951 và sở dĩ chúng ta biết được việc này là do tình báo Anh khi đó đã nghe lén điện thoại của bà Bassett nhằm phục vụ cho cuộc tìm kiếm “nhà ngoại giao mất tích” Burgess.

Và ở thời điểm diễn ra các cuộc điện thoại này, tình báo Anh vẫn chưa thực sự nắm chắc được các thông tin về đường dây gián điệp trường Cambridge khét tiếng mà Burgess, Blunt cùng các đồng môn Donald Maclean, Kim Philby, John Cairncross là những thành viên cốt cán.

Điệp viên đồng tính hiếm hoi

Cả năm thành viên trong đường dây “Bộ ngũ trường Cambridge” đều do Arnold Deutsch, một điệp viên của Liên Xô ở Anh tuyển mộ. Ở thời kỳ đỉnh cao, tất cả họ đều giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ Anh. So với bốn thành viên còn lại, Guy Burgess được cho là khác biệt hoàn toàn.

Ông ta sinh năm 1911 trong một gia đình có truyền thống quân sự. Xuất thân trong gia đình giàu có lại là một người thông minh, Burgess được hưởng sự giáo dục tốt. Rời trường trung học, ông ta được nhận vào trường đại học Cambridge danh tiếng. Tại đây, ông ta bộc lộ rõ quan điểm ủng hộ chủ nghĩa cộng sản và gia nhập đảng Cộng sản Anh sau năm tuần thử thách.

Cùng thời gian, Burgess kết thân với một người bạn tên Kim Philby. Tháng 6/1934, Philby được tình báo Liên Xô tuyển dụng với nhiệm vụ đầu tiên là giới thiệu những người khác có thể cung cấp tin mật cho Liên Xô.

Tháng 5/1934, Philby dàn xếp để người tuyển mộ ông ta là Arnold Deutsch gặp Guy Burgess. Việc tuyển mộ Burgess làm gián điệp cho Liên Xô diễn ra sau đó ít lâu.

Theo hướng dẫn của Deutsch, Burgess đã rời khỏi đảng Cộng sản Anh, cũng như không còn công khai quan điểm ủng hộ cộng sản của mình để thuận tiện cho việc hoạt động gián điệp. Năm 1936, Burgess được nhận vào làm việc tại đài BBC.

Ít lâu sau đó, ông được cơ quan tình báo Anh MI6 tuyển mộ để điều tra các hoạt động của chủ nghĩa cộng sản trong đội ngũ nhân viên của đài trên cũng như các trường đại học ở Anh.

Được làm việc theo đúng ý thích thực sự của mình nên người này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng lúc, ông đã chuyển được khá nhiều thông tin mật về cho tình báo Liên Xô mà không hề bị nghi ngờ.

Năm 1938, Burgess trở thành người đầu tiên trong mạng lưới điệp viên trường Cambridge được nhận vào làm việc toàn thời gian tại cơ quan tình báo Anh với nhiệm vụ phụ trách hoạt động tuyên truyền chống Đức quốc xã ở nước ngoài. Ít lâu sau đó, Burgess đã giúp Philby gia nhập MI6 để thuận tiện cho hoạt động của đường dây.

Năm 1939, ông ta tiếp tục sử dụng các mối quan hệ để giúp một thành viên khác trong mạng lưới tình báo Cambridge là Blunt gia nhập cơ quan tình báo nội địa Anh MI5.

Không hề bị nghi ngờ, năm 1943, Burgess được giao một công việc nhạy cảm khác là phụ trách bản tin ở Bộ Ngoại giao Anh. Ở vị trí này, ông ta được tiếp cận nhiều điện tín ngoại giao, tài liệu mật hơn cả khi trước. Những tài liệu này đều được ông ta bí mật chuyển cho Nga.

“Tài sản” của Burgess trong vai trò một điệp viên chính là mạng lưới bạn bè rộng khắp. Những người bạn của ông ta bao gồm rất nhiều người nổi tiếng, trong đó có Maynard Keynes, W H Auden, Winston Churchill, Isaiah Berlin, Harold Nicolson, George Orwell, Lucian Freud…

Ngoài ra, sự quyến rũ cũng là một vũ khí sắc bén của người này. Ở thời điểm lúc bấy giờ, việc quan hệ tình dục đồng giới vẫn là bất hợp pháp và cũng như đại bộ phận dân số, hầu hết các điệp viên không phải là người đồng tính.

Thế nhưng, Burgess không ngại ngùng công khai về xu hướng giới tính của mình. Không những thế, những mối quan hệ tình cảm đồng giới như vậy còn trở thành công cụ được ông ta sử dụng hiệu quả để khai thác thông tin. Theo các ghi chép, trong số các người tình của ông ta, người đầu tiên chính là Philby, về sau là Maclean cùng nhiều người khác.

Vỏ bọc hoàn hảo

Theo người phụ trách hoạt động của đường dây điệp viên trường Cambridge Yuri Modin, Burgess là người hoạt động khá hiệu quả, luôn thực hiện một cách chính xác các công việc được giao, tuân thủ các biện pháp cảnh báo và liên tục chứng minh trí nhớ tuyệt vời của ông ta. Ngược lại, phía Anh lại không mảy may nghi ngờ gì về Burgess bởi tài che giấu có thể nói xuất sắc của ông ta.

Các đồng nghiệp ở Anh lúc bấy giờ chỉ thấy ông ta là một kẻ vô tổ chức, thường xuyên đi làm muộn, say xỉn cả trong giờ làm việc, chửi bới người khác không có lý do và chỉ chăm chăm xà xẻo công quỹ vào việc riêng. Chính vì vậy nên dù Burgess ở quán rượu vẫn luôn miệng khoe khoang là gián điệp nhưng không ai tin đó là sự thật.

Các tác giả cuốn “Điệp viên biết tất cả mọi người” về sau kết luận rằng Burgess đã cố ý tạo ra bề ngoài vô tâm để che giấu cho bản chất thực sự một cách tài tình. Nhiều người cho rằng Burgess thực sự không mấy nguy hại nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại.

Theo các tài liệu, trong giai đoạn từ 1941 đến 1945, ông ta đã chuyển khoảng 4.600 tài liệu về cho Moscow, trong số đó có các thông tin mật về các hội nghị hòa bình sau chiến tranh, các cuộc họp bàn về việc thành lập NATO, Liên hợp quốc hay OECD. Trong những năm 1950, ông ta là người cố vấn cho tình báo Liên Xô về việc tuyển mộ các điệp viên.

Một kẻ đào tẩu của KGB thậm chí cho biết, vì là người đồng tính nên chính ông ta là người đã giúp tình báo Liên Xô lập kế hoạch tiến hành một chiến dịch dùng xu hướng tình dục đồng tính để buộc những người đồng tính nam phải chấp nhận làm việc cho Moscow.

Burgess cung cấp cho phía Nga nhiều thông tin đến mức chính tình báo Nga lúc đầu còn nghi ngờ đó là một cái bẫy. Họ không tin rằng người Anh ngây thơ đến mức để cho một người vốn có quan điểm ủng hộ cộng sản như Burgess gia nhập cơ quan tình báo của mình.

Năm 1951, Philby nhận thấy Maclean sắp bị phát hiện làm gián điệp nên đã thuyết phục Burgess về London để cảnh báo Maclean. Tuy nhiên, thay vì chỉ báo tin, ông ta lại sợ hãi nên đã bỏ trốn luôn tới Moscow cùng dù chưa từng bị nghi ngờ.

Việc này đã khiến đường dây gián điệp Cambridge bị phanh phui. Không bạn bè, không biết tiếng Nga, lại còn là người đồng tính nên cuộc sống của Guy Burgess tại Liên Xô chìm trong rượu cho đến khi qua đời mà không một lần được trở về nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại