Đó là câu chuyện hôn nhân cảm động của ông Nguyễn Văn Thuận (65 tuổi, Cai Lậy, Tiền Giang) và bà Nguyễn Thị Rỡ (64 tuổi, cùng ở Gò Công, Tiền Giang).
Chuyện tình của ông Thuận và bà Rỡ bén duyên từ ngày ông đóng quân ở Gò Công cách đây gần 38 năm. Nhớ lại ngày ấy, ông tỏ tình bằng cách lén hôn bà như tín hiệu nhắn nhủ bà chờ đợi. Qua năm sau, ông đưa gia đình xuống hỏi bà làm vợ.
Hành trình tình yêu đơm hoa kết trái của họ thật ngọt ngào và càng hạnh phúc khi hơn 1 năm sau bà sinh được người con gái đầu lòng.
Sau đám cưới, họ cùng nhau làm ruộng một thời gian thì chuyển qua đi ghe buôn bán trái cây. Tuy nhiên, việc đi ghe buôn bán cũng không "xuôi chèo mát mái" nên hai vợ chồng đành chuyển vào TP. Hồ Chí Minh đầu tư sạp trái cây nhưng chợ cũng sớm giải tỏa. Sau nhiều lần thất bại, hai vợ chồng quyết định đi bán vé số.
Chuyện làm ăn chẳng thuận, đường con cái của cặp vợ chồng ấy gặp lắm gian truân khi bà 2 lần có thai ngoài dạ con, lần cuối bị tiểu đường rồi nhũn não. Người con gái của ông bà nay đã 35 tuổi nhưng chứng kiến bố mẹ dù tuổi đã cao chật vật với cuộc sống lắm khó khăn nên cũng chẳng dám lấy chồng.
Bên nhau gần 40 năm, cặp vợ chồng già chịu lắm gian truân nhưng vẫn hạnh phúc vì có nhau.
"Em là người vợ tuyệt vời nhất"
Ông bà nhớ lại, ngoài tình cảm ấm êm thì gần 40 năm hôn nhân của họ mãi không thoát ra được cái nghèo và bệnh tật.
Bà Rỡ tiết lộ từng muốn ra đi để chồng để ông đỡ khổ hơn, muốn ông đi tìm vợ mới nhưng ông chối từ. Những lúc buồn phiền cho số phận hẩm hiu, may mắn thay họ vẫn có một người ở cạnh động viên. Khi suy nghĩ cùng cục, bà lại đem lá thư của chồng viết ra đọc như một cách lấy động lực vượt qua khó khăn.
Trong thư ông viết: "Em yêu. Hôm nay có dịp bày tỏ tấm lòng anh. Em là người vợ tuyệt vời dù cuộc sống có trải qua biết bao thăng trầm, gian khổ. Em bị bệnh vẫn cố gắng lo từng bữa cơm. Cảm ơn em, em là tất cả, mãi mãi là tất cả. Anh yêu em".
Nhớ quãng thời gian ông Thuận để bà ở nhà rồi đi bán vé số khiến bà tủi thân khóc nhiều. Vì thương vợ nên ông đã chuyển bán nguyên ngày xuống bán nửa ngày. Nhưng vì vậy ông đành phải nghỉ luôn sau một thời gian mất khách.
Sau này bà khỏe hơn, mỗi tối ông đẩy bà đi bán cùng để bà khuây khỏa tinh thần. Một ngày ông Văn Thuận lấy 150 tờ vé số đi bán để lo tiền sinh hoạt trong gia đình và thuốc thang cho bà.
Tính đến nay, bà Rỡ đã bị tai biến 18 năm. Dù nghèo khó, vợ bệnh tật phải nhờ ông ẵm bồng, nhưng từng ấy năm ông chưa một tiếng nặng nhẹ. Thu nhập chỉ có từ việc bán vé số mưu sinh qua ngày nhưng ông bà vẫn chưa từng hối hận khi ở bên nhau.
Dù trải qua nhiều giông bão cuộc đời trong mấy chục năm bên nhau, sau ông Thuận và bà Rỡ vẫn giữ nụ cười trên môi. Vượt qua những cú sốc tinh thần khi ốm đau, khi người thân lần lượt qua đời mà không có tiền mai táng, những năm cuối đời bà lạc quan bảo: "Mình khóc để làm gì, mình đã khóc nhiều tới mức không còn nước mắt để khóc nữa. Cố gắng lên rồi sẽ qua, càng khổ, càng yêu, càng thương".
Ảnh: Tình trăm năm