Tâm lý người Việt Nam hầu hết đều muốn được hưởng an nhàn khi về hưu. Tuy nhiên, có một nghịch lý là chỉ hơn 28% người Việt được hỏi có kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc sống độc lập khi về già, theo nghiên cứu thực hiện bởi Viện Y-Xã hội học. Trong đó, tài chính là yếu tố khiến nhóm tuổi 30-44 cảm thấy thiếu tự tin nhất khi chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già.
Nhìn chung, lập kế hoạch tài chính cá nhân cũng giống như chạy marathon, điểm xuất phát thì luôn rất đông người, vui vẻ, khí thế; nhưng ở điểm kết thúc thường chỉ có một số ít người. Những người biết luyện tập, biết đặt các mục tiêu chinh phục từng quãng đường nhỏ và kiên trì sẽ dần dần tới đích, đó là tự do tài chính.
Mới đây, câu chuyện về chuẩn bị tài chính cho thời điểm nghỉ hưu đã được một người dùng mạng giấu mặt chia sẻ trên một nhóm kín trên mạng xã hội, nhận về rất nhiều sự quan tâm từ mọi người.
Theo "người tham gia ẩn danh", cô năm nay 40 tuổi, chồng 44 tuổi, nhà có 3 người con lần lượt là 17 tuổi, 14 tuổi và 6 tuổi. Hàng tháng, sau khi trừ đi mọi chi phí thì số tiền để dư ra được khoảng 40 triệu đồng.
Người phụ nữ dự tính, sẽ chỉ đi làm thêm khoảng 6-7 năm nữa thì bắt đầu giảm bớt công việc để nghỉ ngơi được nhiều hơn. Do đó, hai vợ chồng cô đã sớm dùng tiền để đầu tư nhằm chuẩn bị cho thời điểm nghỉ hưu.
1. Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH)
Tác giả bài viết chia sẻ, chồng cô đã làm ở công ty 20 năm nên sau này chắc chắn có BHXH. Còn cô tuy nghỉ ở nhà nhưng vẫn cố gắng tự đóng dựa vào công ty cũ và sau này khi có bảo hiểm nhân thọ thì cô chuyển hẳn sang loại hình này.
"Tính đến nay tôi đã đóng được 16 năm, nghĩa là đến tầm tuổi được hưởng lương hưu thì cả hai vợ chồng đều sẽ được hưởng. Đây sẽ là khoản dự phòng trong trường hợp sống thọ, khi về già không thể tự chăm sóc bản thân và con cái chăm mình cũng không bị áp lực về chi phí nuôi bố mẹ. Hoặc phương án khác là dùng tiền đó cho 2 vợ chồng vào trại dưỡng lão. Dự trù cả 2 vợ chồng khi về hưu sẽ có khoảng 20-25 triệu lương hưu /tháng", người phụ nữ viết.
2. Bảo hiểm nhân thọ (BHNT)
Nữ tác giả chia sẻ đã mua BHNT cho cả hai vợ chồng. Song chỉ mua các sản phẩm chính, không mua sản phẩm phụ như bảo hiểm tai nạn, hỗ trợ đóng phí, bệnh nan y...vì sẽ bị trừ phí hàng năm, rất lãng phí.
Sản phẩm phụ duy nhất mà người phụ nữ mua là thẻ chăm sóc sức khỏe, mức mua cũng không cao vì chủ yếu là dự phòng, ngoài ra còn có Bảo hiểm Y tế.
"Phí hàng năm để đóng BHNT cho cả 2 là hơn 40 triệu đồng. Đây là khoản dự phòng rủi ro nếu tôi gặp chuyện không may thì con cái cũng có thêm một khoản để lo ăn học, không bị đứt gánh giữa đường.
Hiện tôi đã tham gia gói này được 8 năm, tôi khuyên mọi người nên tham gia càng sớm càng tốt vì tuổi càng trẻ thì số tiền bảo hiểm tính mạng của mình sẽ càng được giá và phí cũng thấp hơn. Khi kết thúc hợp đồng (7 năm nữa ), tôi sẽ có 1 khoản kha khá đủ để sử dụng vào mục đích nghỉ ngơi và đi chơi đây đó".
3. Mua chứng chỉ quỹ
"Tôi ngại tìm hiểu thị trường chứng khoán, cũng không biết mua bán gì nên thôi đăng kí mua chứng chỉ quỹ định kì cho nhanh. Mỗi tháng tôi trích khoảng 2 triệu để mua sản phẩm này. Năm nay, tôi đang định tăng lên thành 3- 4 triệu vì thu nhập cũng đã tăng.
Tôi thấy mua định kì kiểu này thì không sợ bị lỗ vì hàng tháng mua là được mức trung bình giá rồi.
Chứng chỉ quỹ tôi mua của bên SSI, cũng được 6-7 năm rồi, vì xác định để đó nên không để ý tài khoản giờ có bao nhiêu nữa, nhưng vẫn có báo cáo định kỳ qua email.
Nó cũng tựa tựa kiểu đút lợn, mà mình thì lại không phải trông nom giữ gìn gì. Khoản này mình dự định để dành đóng học cho đứa út khi bố nó nghỉ làm".
4. Cổ phiếu
Theo nữ tác giả, mỗi tháng chồng cô sẽ dành ra khoảng 4-5 triệu để mua mấy mã blue chip (mua lâu dài), tức mua để dành chứ không bán nên cứ thấy mã nào thuộc nhóm này xuống thì sẽ mua gom lại. Ngoài ra, chồng cô cũng dùng khoảng 1-2 triệu để mua mã khác dạng "xổ số", sẽ bán khi lên giá. Khoản này sẽ được vợ chồng cô sử dụng trong quãng thời gian giảm làm chờ nghỉ hưu.
5. Vàng
Theo cô, kể từ khi bố mẹ hai bên gia đình bước sang tuổi 60 thì mỗi dịp sinh nhật, cô đều mua biếu mỗi người một chỉ vàng. Bố mẹ cô nói, sẽ để dành sau này cho các cháu khi chúng lấy vợ gả chồng làm của hồi môn. Từ đó, cô cũng nghĩ đến việc tích trữ vàng cho các con.
Vậy là, mỗi khi đến dịp sinh nhật các thành viên trong gia đình, cô sẽ mua 1 chỉ cất đi, thế là mỗi năm cũng được 5 chỉ. Cô cho rằng, thói quen này không quá khó để duy trì, và khi đến tuổi nghỉ hưu thì cô cũng tích được lượng vàng khá lớn.
6. Tiết kiệm và BĐS
Cô cho biết, vì đang có 3 người con tuổi ăn học, bố mẹ 2 bên cũng bắt đầu vào giai đoạn già yếu nên vợ chồng cô luôn để quỹ dự phòng tiết kiệm trong nhà ít nhất 200-300 triệu đồng.
Ngoài ra, khi gom được một khoản kha khá thì cô sẽ mua BĐS theo dạng trả góp hoặc các BĐS loại vừa với số tiền đang có để không bị áp lực vay nợ.
Một bí kíp khác để không bị tồn đọng vốn khi đầu tư được tác giả chia sẻ đó là chọn loại cho thuê lại được ngay chứ không mua đất ở vùng xa xôi để đó chờ tăng giá. Và sau 18 năm kết hôn, giờ đây vợ chồng cô đã có được một vài tài sản để ở và cho thuê. Hiện tại tài chính của gia đình ở mức ổn định.
"Tổng kết lại nếu không có gì biến động thì khoảng 10 năm nữa khi tôi 50 tuổi và ông chồng 54 tuổi là cả 2 có thể yên tâm nghỉ làm dần chờ lương hưu đúng như dự định", nữ tác giả cho hay.
Chỉ sau thời gian ngắn chia sẻ, bài viết đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Nhiều người bình luận khen tác giả quá khéo và chu toàn trong cách chi tiêu cũng như lựa chọn đầu tư để tiền ngày càng đẻ ra tiền.
Tuy nhiên, cũng có một vài người cho rằng, cách làm này chưa phù hợp với đại đa số bởi mức thu nhập trung bình ở Việt Nam còn khá thấp.
"BHNT, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu đều không dành cho những tay mơ. Dẫu sao đây cũng là bài chia sẻ cho các bạn có thu nhập cao nhưng chưa biết phân bổ chi tiêu cho hợp lý", một người viết.
Nguồn tham khảo: Group Vén khéo