Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau VNG, tức là startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
VNPay vốn được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ứng dụng này hợp tác với 22 ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những nhà băng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, và BIDV.
Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.
VNPay được cho là chính thức đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn năm ngoái từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC. Vậy là sau VNG, Việt Nam đã có Kì lân thứ hai. Trước đó, VNG là “kì lân” đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối.
Trong toàn khu vực Đông Nam Á, VNPay và VNG hiện xếp cùng hàng ngũ với 11 kỳ lân công nghệ gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka và Tokopedia.
Trong số này, chỉ mới có Grab và GoJek được gọi là “siêu kì lân” khi được định giá trên 10 tỉ USD. VNG sau 5 năm trở thành “kì lân” giá trị doanh nghiệp cũng tăng đến hơn 50%, nay được định giá khoảng từ 1,5-1,7 tỉ USD, tuy nhiên con số này so với các kỳ lân khu vực vẫn còn khá khiếm tốn.
12 startup kỳ lân trong khu vực Đông Nam Á.
Nhìn chung, các kỳ lân công nghệ Đông Nam Á đều đang được hưởng lợi trong bối cảnh nhu cầu mua sắm, giải trí trực tuyến của người dân gia tăng mạnh do dịch bệnh. Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Phillipines hiện đã có thêm 40 triệu người dùng mới, qua đó nâng tổng số người sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong khu vực lên 400 triệu, chiếm 70% dân số.
Các chuyên gia ước tính, tổng giá trị giao dịch của các nền kinh tế số Đông Nam Á trong năm nay có thể đạt 155 tỷ USD, tương đương với năm ngoái, trước khi dịch bệnh xảy ra.
Cuộc chiến đốt tiền "khô máu"
Nhận được đầu tư khủng nhưng VNPay cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam. Hiện tại đã có 37 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính được cấp phép khiến thị trường trở nên đông đúc.
Trong số đó, 34 nhà cung cấp ví điện tử hiển nhiên đều có giấc mơ sẽ lặp lại thành công giống như Alipay hay Wechat Pay ở Trung Quốc.
Để thu hút được người dùng và các nhà bán hàng, các nhà cung cấp ví điện tử - trong đó có cả VNPay - ở Việt Nam phải "đốt tiền" để giảm giá và tiếp thị. Sự cạnh tranh tập trung vào việc công ty nào có thể xây dựng một hệ sinh thái đủ thu hút với cả người dùng và người bán.