Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho biết sau khi có văn bản gửi Tổ chức Thẻ quốc tế Visa và MasterCard, Hiệp hội cũng làm việc với tổ chức Visa tại Việt Nam để lắng nghe những quan điểm của đơn vị này trong việc hỗ trợ ngành ngân hàng nói riêng và nên kinh tế nói chung.
Đại diện của Visa cho biết Visa luôn đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam để vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, với chiến lược toàn cầu, tổ chức này ưu tiên hỗ trợ thị trường trong dài hạn, chú trọng đến hỗ trợ năng lực phục hồi sau khủng hoảng, về việc giảm chi phí trong ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được xem xét và có thông tin sớm.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Visa mà MasterCard có chính sách giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành, áp dụng 1 loại phí đối với 1 giao dịch: chỉ thu theo số lượng giao dịch hoặc doanh số giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi….
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét giảm mức giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức giá cước tin nhắn thông thường (áp dụng cho dịch vụ nhắn tin giữa các cá nhân đơn lẻ) hoặc ít nhất giảm 50% mức giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng.
Đối với phí trao đổi, Hiệp hội đề nghị miễn phí đối với nhóm đơn vị chấp nhận thẻ chịu tác động nhiều từ dịch bệnh, không phải là các đơn vị kinh doanh dịch vụ (bệnh viện, trường học, các dịch vụ chi tiêu công...), giảm 50% đối với nhóm kinh doanh dịch vụ và các nhóm ngành khác, giảm 70% phí xử lý giao dịch mà 2 tổ chức trên thu của các ngân hàng phát hành thẻ Visa và MasterCard tại Việt Nam để bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của chính sách giảm Interchange tại khu vực EEA...
Thời gian miễn, giảm phí cần ít nhất trong 12 tháng, đồng thời 2 tổ chức trên cũng cần rà soát và điều chỉnh chính sách phí nhằm hỗ trợ thị trường thẻ trong dài hạn.
Hiệp hội Ngân hàng đề nghị một số tổ chức doanh nghiệp miễn giảm phí trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến kinh tế. Ảnh: VnExpress.
Tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí ước tính khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ và lần 2 là 487 tỷ), đây là nỗ lực của ngành ngân hàng trong tình hình kinh tế khó khăn trong dịch bệnh và ngân hàng cũng gặp nhiều rào cản trong vấn đề giảm phí.
Động thái miễn giảm phí được ngân hàng trong nước áp dụng khá triệt để. Cụ thể, các ngân hàng đã miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán. Đến nay, có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí.
Hiện nay, các ngân hàng cũng phải chi phí lớn cho việc quản lý, vận hành và phát triển các sản phẩm dịch vụ, trong đó có khoản phí ngân hàng thu hộ và phải trả lại cho các tổ chức đối tác khác.
Ví dụ, khách hàng sử dụng dịch vụ nhận thông tin về tài khoản ngân hàng qua tin nhắn SMS, ngân hàng thu của khách hàng một phần phí, đồng thời ngân hàng cũng chịu phí SMS cao trực tiếp từ nhà mạng hoặc đối tác của nhà mạng, mức phí SMS Branding khoảng 720 đồng/tin nhắn.
Bên cạnh đó, với chi phí xử lý giao dịch của các thẻ tín dụng do Visa và MasterCard cung cấp, Hiệp hội Ngân hàng đánh giá trung bình các ngân hàng thanh toán đang phải trả từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế cùng chung tay chia sẻ, miễn, giảm phí giao dịch cho ngân hàng và qua đó hỗ trợ cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay rất có ý nghĩa.
Chuyên gia cho rằng Visa và Mastercard chẳng bị thiệt hại gì trong việc giảm phí cho các ngân hàng, vì với xu thế bùng nổ của ngân hàng số, sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thanh toán sẽ giúp bù trừ vào việc giảm phí của họ tại thị trường Việt Nam.