Cuộc khủng hoảng nCoV đã buộc quân đội Trung Quốc thực hiện một trong những đợt điều động quân y lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
PLA tuần rồi triển khai ít nhất 3.500 nhân viên y tế đến TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - nơi bị xem là tâm dịch. Theo báo South China Morning Post, nhiều người trong số này từng tham gia sứ mệnh đối phó đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp nặng) hồi năm 2003, động đất ở tỉnh Tứ Xuyên hồi năm 2008 cùng những cuộc khủng hoảng khác, như dịch Ebola ở châu Phi.
"Đây là đợt huy động lực lượng lớn nhất của hải quân, lục quân và không quân, cũng như nhân viên y tế từ các bệnh viện quân đội và sinh viên y khoa kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa vào năm 1978" - chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming cho biết.
Ông này đồng thời khẳng định sứ mệnh này có thể được xem là một phép thử thực sự đối với khả năng phối hợp xử lý khủng hoảng của PLA kể từ khi quân đội Trung Quốc được cải tổ.
Theo Đài Truyền hình trung ương nhà nước Trung Quốc (CCTV), hàng trăm binh sĩ PLA đã tham gia kiểm soát việc phân bổ các thiết bị y tế vốn đang khan hiếm cũng như công tác hậu cần cần thiết tại Vũ Hán.
Ông Adam Ni, chuyên gia nghiên cứu chính sách Trung Quốc, khẳng định PLA sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống nCoV, đặc biệt là khi tác động của dịch đang lan rộng. "Tất nhiên, Trung Quốc sẽ triển khai quân đội khi sự ổn định bị đe dọa" - ông Ni nói, đồng thời nhận định Bắc Kinh sẽ cho phép quân đội đảm nhiệm toàn bộ chiến dịch.
Trước đó, vào ngày 25/1, Trung Quốc tuyên bố 30 trong tổng số khu vực hành chính của họ đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng ứng phó cao nhất. Đây là hệ thống kiểm soát khủng hoảng được sử dụng để đối phó thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng và chiến tranh.
Hệ thống này kêu gọi cựu binh sẵn sàng trở lại nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào trong khi các chính quyền địa phương phối hợp với quân đội để đưa ra các biện pháp ngăn ngừa virus lây lan.
Kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán hồi tháng 12/2019, nCoV tính đến ngày 9/2 đã lây nhiễm hơn 37.500 người ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi sinh mạng của 813 người - vượt qua số người thiệt mạng gây ra bởi đại dịch SARS cách đây gần 2 thập kỷ (774 người), theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) trong một tuyên bố hôm 9/2 cho biết chính phủ nước này sẽ tăng cường mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc men để đối phó dịch bệnh.
Các công ty sản xuất thiết bị kiểm tra sức khỏe, thuốc và vắc-xin đang được hối thúc để cung cấp thêm các mặt hàng này càng sớm càng tốt, NDRC cho biết, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các công ty về mặt tài chính, giấy phép, cơ sở vật chất cũng như vật liệu thô nếu cần và sẽ mua mọi sản phẩm không bán được.
Danh sách các mặt hàng được hưởng ưu đãi này gồm đồng phục y tế, khẩu trang, tấm che mắt, bộ xét nghiệm virus, nhiệt kế hồng ngoại và các loại thuốc liên quan. Theo Phó Thống đốc Hồ Bắc Cao Guangjing, tính đến ngày 7/2, thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tại tỉnh này vẫn còn thiếu gần 20% so với nhu cầu.
Trước đó, NDRC cũng cho biết đã tung ra thị trường thêm 10.000 tấn thịt heo đông lạnh vào ngày 7/2 để bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá. Cũng theo NDRC, đây là lần đầu tiên Trung Quốc buộc phải dùng đến kho thịt heo dự trữ sau dịp Tết nguyên đán.