Virus corona đã tác động khủng khiếp đến chứng khoán và kinh tế thế giới như thế nào?

Lam Thiên |

Từ châu Á, đến châu Âu và nước Mỹ, chứng khoán đỏ lửa dưới sức ảnh hưởng không biên giới của dịch bệnh mới bùng phát tại Trung Quốc. Không ngành kinh tế nào được xét vào nhóm an toàn giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này

Trung Quốc giữa "tâm chấn"

Nằm sát một nhánh trên sông Dương Tử, Vũ Hán vốn đóng vai trò là trung tâm vận tải quan trọng đưa hàng hóa di chuyển từ nội địa Trung Quốc đến bờ biển, cũng như cho giao thông thương mại Bắc-Nam, chưa kể đây còn là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn châu Á trong các ngành quan trọng là điện tử, dược phẩm và ô tô. Tuy nhiên, dịch bệnh vừa bùng phát đã khiến mọi chuyện chệch hướng.

Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc có liên quan đến Vũ Hán và Hồ Bắc – hai ổ dịch Coronavirus lớn nhất - đã giảm mạnh chỉ trong vài ngày khi dịch bệnh viêm phổi lạ vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Cổ phiếu của Wuhan Department Store Group Co. – công ty điều hành chuỗi trung tâm thương mại tại Vũ Hán - đã mất 16% thị giá; trong khi công ty khí đốt Hubei Heyuan Gas Co. có chuỗi giảm điểm tồi tệ nhất trong lịch sử khi giá cổ phiếu lùi sâu 10% chỉ trong vòng 2 ngày.

Chịu ảnh hưởng lớn nhất là các doanh nghiệp lữ hành, vận tải và du lịch, khi Vũ Hán đã bị đóng cửa trong nỗ lực phong toả hàng triệu cư dân lần đầu tiên trong lịch sử ngành y tế Trung Quốc. Nếu như ở các mùa du lịch cuối năm trước, Vũ Hán – thành phố có dân số nhiều hơn cả New York – thu được lượng ngoại tệ lớn nhờ hoạt động du lịch với cáp treo, đi thuyền trên sông Dương Tử thì giờ đây, toàn bộ các tuyến giao thông công cộng nối ra ngoài đã bị phong toả, lượng du khách giảm tới 98%.

Trên thị trường tiền tệ, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu xuống mức thấp nhất trong vòng nửa tháng qua.

Phố Wall, châu Âu "vấp ngã"

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm gần 200 điểm ngay sau khi Trung Quốc ra quyết định mở rộng kiểm soát dịch bệnh ngoài Vũ Hán, khiến các nhà đầu tư lo ngại nỗ lực ngăn chặn virus Corona mới của Trung Quốc không đạt hiệu quả. Cùng lúc đó, giá dầu trên các sàn giao dịch cũng giảm do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể gián đoạn do ảnh hưởng từ dịch bệnh mới.

Chỉ qua một đêm, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc mất hơn 3%, trong khi Hang Seng của Hong Kong lùi hơn 1,5% và KOSPI của Seoul chỉ tăng nhẹ 0,9%. Màn hình giao dịch chứng khoán phủ màu đỏ, lan rộng nỗi lo từ châu Á sang châu Âu và cả nước Mỹ.

Trên thực tế, việc dịch bệnh lan rộng đúng lúc Trung Quốc đối mặt với áp lực tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 3 thập kỷ qua cũng khiến giới đầu tư toàn cầu chìm trong tâm lý tiêu cực. Niềm tin vốn mong manh khi Mỹ và Trung Quốc vừa làm ấm lại quan hệ thương mại đã gặp phải "gáo nước lạnh" đúng vào mùa tiêu dùng sầm uất nhất tại quốc gia tỷ dân, đúng vào thời điểm không thể tồi tệ hơn.

Tương lai u ám từ kinh nghiệm trong quá khứ

Ảnh hưởng của các dịch bệnh vốn không tác động nhiều đến kinh tế dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, nó có thể dễ dàng làm suy giảm những nỗ lực của chính phủ các quốc gia đang thúc đẩy kinh tế từ ngành du lịch và thương mại.

Vào năm 2003, khi các quốc gia châu Á gồng mình chống chọi dịch SARS, chứng khoán toàn cầu đã lùi sâu tới 10%, trong đó GDP Trung Quốc đã giảm 1%, còn Hong Kong mất 2,6%. Gần nhất, dịch Ebola bùng phát năm 2014 cũng khiến chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, chỉ số Dow đã giảm gần 7% chỉ trong vòng 1 tháng.

Lần này, rút kinh nghiệm từ SARS, chính quyền Trung Quốc đã có các bước đi chủ động hơn trong việc đối đầu với dịch bệnh, thông qua hành động cập nhật khá thường xuyên về tình hình lan rộng của virus, cố gắng hạn chế sự hoang mang của người dân, đặc biệt trong lúc hàng triệu người đang di chuyển trước dịp Tết Nguyên đán.

Đâu đó cũng có sự lạc quan rằng, trong khi virus có thể lây từ người sang người, các quan chức WHO cho rằng "2019-nCoV" có thể không được lan truyền dễ dàng như SARS.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế thế giới cũng cảnh báo virus viêm phổi có thể dễ đột biến và thay đổi quá trình khi đại dịch bùng phát mạnh. Đây cũng là những gì đã xảy ra và kéo lùi nền kinh tế toàn cầu trong năm 2003.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại