Cuộc đời Viola trải qua những ngày khốn khó thiếu ăn cho đến những ngày bước lên đỉnh cao sự nghiệp với giải Oscar đầy danh giá. Nghị lực phi thường của cô chính là niềm cảm hứng bất tận cho những nghệ sĩ da màu trong một thế giới nhiều bất công này.
Từng làm tất cả mọi thứ để có đồ ăn
Viola Davis chào đời năm 1965 ở nông trại của bà ngoại tại miền Nam Carolina, Mỹ trước khi dọn đến Rhode Island khi 2 tháng tuổi. Bố cô là người huấn luyện ngựa, mẹ là người giúp việc, 6 anh chị em trong gia đình Viola lớn lên với những ước mơ thoát nghèo.
"Nơi tôi sống" của Viola là một nơi không có hệ thống ống nước, không có lò sưởi hay thậm chí là điện. Những ngôi nhà của khu ổ chuột ấy lụp xụp, tối tăm và luôn bị người da trắng phân biệt đối xử.
"Mọi người không bao giờ dùng chung một vòi nước mà chúng tôi đã dùng. Họ gọi chúng tôi bằng những từ ngữ khó nghe".
Viola Davis lớn lên với tuổi thơ bần hàn, tủi hổ vì phải kiếm ăn mỗi ngày.
"Tôi là một trong số 17 triệu đứa trẻ trong đất nước này không biết bữa ăn kế tiếp của mình đến từ đâu".
Tại trường trung học Central Falls nơi Viola được học cùng chúng bạn, những đứa trẻ da màu như cô đều ngày ngày tới lớp với hi vọng sau này sẽ có chỗ đứng trong xã hội và không còn nghèo khó, tủi khổ.
Nói về tuổi thơ, nữ diễn viên từng chia sẻ: "Tôi đã hy sinh cả thời thơ ấu để tìm kiếm thức ăn và lớn lên trong nỗi tủi hổ tột cùng".
Suốt thời niên thiếu ám ảnh về cái đói, nên Viola Davis không bao giờ quên xuất phát điểm của mình, ngay cả khi cô đã là một ngôi sao của Hollwood.
Năm 2014, tại một buổi gây quỹ "Power of Women" – một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về nạn đói của Mỹ, Viola xúc động nói: "Tôi đang khóc. Tôi không mong chờ rằng tôi sẽ đến đây để khóc. Tôi dự định đến để uống thật nhiều champagne nhưng giờ tôi lại khóc.
Tôi không tham gia chiến dịch này để cứu thế giới. Tôi tham gia để cứu bản thân mình. Bạn biết đấy, người ta nói rằng không bao giờ là quá già để có một tuổi thơ hạnh phúc. Thời thơ ấu của tôi đã tràn đầy kỷ niệm hạnh phúc nhưng nó cũng ám ảnh tôi về nghèo đói".
"Tôi là một trong số 17 triệu đứa trẻ trong đất nước này không biết bữa ăn kế tiếp của mình đến từ đâu. Và tôi đã làm tất cả để kiếm ăn. Tôi ăn cắp, tôi nhảy vào những thùng rác với đầy giòi bọ để tìm thức ăn. Tôi kết bạn với những người trong cùng khu dân cư mà tôi biết rằng mẹ của họ nấu đủ 3 bữa 1 ngày. Đó là một sự tủi thân xen lẫn xấu hổ, mặc cảm mà tôi đã lớn lên từng ngày".
Góp nhặt vai nhỏ để có được vai lớn
Năm 9 tuổi, Viola lần đầu nuôi ước mơ làm diễn viên khi được xem bộ phim tâm lý "The Autobiography of Miss Jane Pittman" (1974). "Tôi rất ngưỡng mộ Cicely Tyson. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một diễn viên trông giống mẹ mình".
Mặc dù lớn lên trong nghèo đói nhưng cô bé da màu Viola Davis vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu dường như là thứ "xa vời" đối với một thế hệ những đứa trẻ da màu vào cuối những năm 70.
Khi học trung học, đại diện từ trường kịch nghệ Neighborhood Playhouse School of Theatre đến thăm lớp học của cô và hỏi có học sinh nào muốn trở thành diễn viên. Viola Davis đã không ngần ngại giơ cánh tay lên.
"Khi bạn ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bạn sẽ chẳng sợ con đường phía trước chông gai. Giấc mơ của tôi lớn hơn nỗi sợ hãi nhiều", nữ diễn viên giải thích.
Viola Davis trong vai y tá vô danh phim "The Substance of Fire" (1996).
Sau khi tốt nghiệp trung học, Viola Davis theo học ngành sân khấu ở Cao đẳng Rhode Island và tốt nghiệp vào năm 1988. Một năm sau đó, cô tiếp tục học ngành diễn xuất tại trường tư thục Juilliard. Ở cái tuổi xấp xỉ 30, khi nhiều phụ nữ da màu đã "an phận" với một cuôc sống bình yên bên gia đình, thì Viola vẫn miệt mài khổ luyện.
Năm 1995, hai năm sau khi tốt nghiệp trường Juilliard, nữ diễn viên có được vai diễn đầu tiên trong vở kịch nổi tiếng "Seven Guitars". Vai diễn giúp cô nhận đề cử Tony (một giải thưởng ở mảng nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ do Cánh Sân khấu Hoa Kỳ và Liên hội Broadway trao tặng hàng năm tại New York) và chiến thắng giải thưởng Outer Critics Circle (cũng là một giải thưởng thường niên của sân khấu).
Những thành tích của Viola trong mảng kịch nghệ chưa dừng lại ở đó khi cô thắng giải Tony với vai diễn trong vở "King Hedley II" năm 2001. Năm 2010, thành tích này được lặp lại nhờ vai diễn Rose Maxson trong vở kịch "Fences" của August Wilson. Cô là nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi thứ hai chiến thắng giải thưởng này, sau Phylicia Rashad.
Đối với mảng điện ảnh, Viola Davis gây dựng sự nghiệp bằng những vai phụ. Vai đầu tiên cô nhận là một nữ y tá xuất hiện trong một vài cảnh ở phim "The Substance of Fire" năm 1996. Thù lao cô nhận được là 528 đôla, một số tiền không lớn nhưng đối với Viola đó chính là nguồn động lực, là sự thúc đẩy để cô có thêm niềm tin thực hiện ước mơ.
Thành công đầu tiên của Viola đến khi cô đóng vai bà Miller trong bộ phim "Doubt" năm 2008. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một cảnh phim kéo dài 15 phút nhưng diễn xuất ấn tượng vẫn giúp cô nhận một đề cử Oscar hạng mục "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất".
Xuất hiện chưa tới 20 phút trong "Doubt" (2008) nhưng sự thể hiện của cô đủ để nhận một đề cử Oscar cho giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất".
Tháng 8 năm 2011, Viola Davis lần đầu được đóng vai chính, đó là nhân vật Aibileen Clark trong phim chuyển thể cùng tên của nhà văn Kathryn Stockett "The Help" do đạo diễn Tate Taylor thực hiện. Để đóng phim này, Viola đã phải ăn thật nhiều gà rán để tăng 8kg.
Mặc dù là một bộ phim với đề tài không mấy hấp dẫn với khán giả, nhưng "The Help" đã cho thấy sức hút đặc biệt khi nó được công chiếu. Với kinh phí làm phim chỉ 25 triệu USD, nhưng cho đến nay phim đã thu về được hơn 205 triệu USD trên toàn thế giới.
Sự xuất thần trong diễn xuất của Viola Davis trong "The Help" đến từ những nỗi thống khổ cô trải qua khi bà và mẹ cô đều là người giúp việc. Viola Davis nói về bộ phim: "Tôi biết nhiều người buồn vì những người Mỹ gốc Phi như tôi luôn phải đóng vai người giúp việc. Nếu những gì mà cộng đồng người Mỹ gốc Phi muốn, thì đó cũng là điều tôi muốn. Tôi nghĩ rằng chúng ta muốn được thấy những nhân vật khác trên màn bạc hơn là những người giúp việc.
Nhưng cho dù thế nào, bất chấp mọi lời chỉ trích, thì The Help vẫn là một câu chuyện hay. Trái tim tôi đã thắt lại khi đọc kịch bản phim. Bà và mẹ tôi đều từng là người giúp việc. Tôi thấy vinh dự khi được xỏ vào đôi giày của họ và được kể những câu chuyện của họ. Những câu chuyện của họ rất có giá trị".
Viola Davis trong "The Help", tác phẩm điện ảnh đánh dấu những thành công tiếp nối của cô.
Nói về Viola trong "The Help", Stacey Snider, đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng sản xuất DreamWorks cho biết: "Bạn không thể rời mắt mỗi khi cô ấy xuất hiện trên màn hình. Mọi người cần phải nhớ rằng thành công đến với Viola Davis không phải một sớm một chiều. Từng vai nhỏ nhiều năm qua đã giúp cô ghi điểm rất nhiều".
Nhờ vai diễn này, thành công đã đến rất sát với nữ diễn viên. Cô nhận được đề cử Oscar cho danh hiệu "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" tại lễ trao giải 2012. Dù chiến thắng thuộc về minh tinh gạo cội Meryl Streep, nhưng việc một nữ diễn viên da màu dành được đề cử của một trong những hạng mục chính tại Oscar cũng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực miệt mài của Viola Davis.
Nữ diễn viên da màu làm nên lịch sử
Năm 2014, Viola Davis tham gia series ăn khách của đài ABC "How To Get Away With Murder". Với vai một luật sư kiêm giáo sư luật tại trường Đại học, Viola thể hiện hình ảnh một phụ nữ da màu dữ dội, quyết đoán, thông minh nhưng cũng đầy nhạy cảm và yếu đuối.
Những câu nói "để đời" trong phim của nhân vật Annalise Keating do Viola thủ vai đã trở thành những phát ngôn mạnh mẽ về nữ quyền, về sự bình đẳng của một thế giới không phân biệt chủng tộc mà bộ phim muốn gửi đến người xem.
Nữ luật sư quyết đoán Annalise Keating trong loạt phim truyền hình ăn khách "How To Get Away With Murder".
Với vai diễn này, Viola đã trở thành nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nhận được giải "Nữ diễn viên truyền hình xuất sắc nhất" ở hạng mục phim chính kịch. Trong bài phát biểu xúc động, cô chia sẻ:
"Tôi nhìn thấy một đường ranh giới trong tâm trí mình. Bên kia đường ranh giới đó, tôi thấy cánh đồng xanh đầy hoa và những phụ nữ da trắng xinh đẹp đang chìa tay ra muốn kéo tôi sang đó. Nhưng dường như không có cách nào để tôi vượt qua nó cả.
Điều duy nhất khác biệt giữa phụ nữ da màu với những phụ nữ khác là cơ hội. Bạn không thể thắng giải Emmy cho vai diễn mình không được nhận. Cám ơn Taraji P Henson, Kerry Washington, Meagan Goods và Halle Berry. Cảm ơn các bạn vì đã giúp chúng tôi vượt qua đường ranh giới đó".
Giấy phút Viola nhận giải thưởng danh giá của Emmy 2015.
Thành công nối tiếp thành công, Viola Davis tiếp tục có những dấu ấn mạnh mẽ trên màn ảnh rộng. Năm 2016, cô tham gia bom tấn "Suicide Squad" với một vai diễn nhỏ nhưng được giới phê bình ghi nhận giữa những ngôi sao nhạt nhòa. Tiếp đó, tác phẩm tâm lý chuyển thể từ vở kịch cùng tên "Fences" với nội dung về cặp vợ chồng da màu sống trong những năm 50 đầy biến động của Mỹ đã giúp Viola Davis có được giải thưởng Quả cầu Vàng và Oscar danh giá.
Giây phút bước lên sân khấu nhận giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" tại Oscar lần thứ 89 vừa qua, Viola Davis đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem và cả những nghệ sĩ phía dưới hàng ghế khán giả bằng một bài phát biểu xúc động và truyền cảm hứng.
Dẫn chương trình Oscar Jimmy Kimmel phải nói đùa rằng "Viola cô vừa nhận thêm 1 giải Emmy nữa cho bài phát biểu này!"
"Bạn có biết về một nơi mà tất cả những con người tiềm năng tuyệt vời cùng tụ họp? Một nơi duy nhất. Nghĩa trang. Mọi người hỏi tôi rất nhiều, rằng ‘Viola, chị muốn kể chuyện gì?’. Và tôi nói rằng hãy khai quật những thiên tài kia lên. Khai quật những câu chuyện của họ. Những câu chuyện về những con người có ước mơ lớn lao nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy khát vọng ấy trở thành hiện thực. Những người đã trải qua tình yêu và mất mát.
Tôi trở thành một nghệ sĩ, và ơn Chúa vì điều đó, vì đây là nghề nghiệp duy nhất để ca tụng ý nghĩa của cuộc đời. Vì vậy, cám ơn August Wilson, người đã khai quật và tán dương những người bình dị. Cám ơn hãng phim Bron, Paramount, cám ơn Marco, Todd Black, Molly Allen đã đứng sau cổ vũ một bộ phim về con người, về ngôn từ, về cuộc sống, lòng vị tha và lòng nhân ái.
Thuyền trưởng của tôi, Denzel Washington. Cám ơn anh đã đặt Chúa và August vào mũi tàu nơi bánh lái, hẳn là họ đã làm anh hài lòng. Cám ơn Dan và Mary Alice Davis, người luôn là trung tâm vũ trụ của con, người dạy con những điều xấu tốt, dạy con cách thất bại, cách yêu thương, làm thế nào khi cầm giải thưởng và làm thế nào khi con thua thiệt trong đời. Cha mẹ ơi, con cám ơn Chúa đã chọn người để đưa con vào thế giới này.
Chị Dolores, nhờ vào trí tưởng tượng của chị, chúng ta đã nhập vai làm những người phụ nữ da trắng giàu có trong những buổi tiệc trà đồ chơi ngày nào. Cám ơn người bạn đời của tôi, và con gái của chúng ta. Hai người là tất cả trong tim tôi, anh và Genesis. Hằng ngày hai người dạy tôi cách sống, cách yêu. Tôi thật hạnh phúc khi có hai người làm nền tảng trong đời".
Những nghệ sĩ da màu chắc chắn đều cảm thấy tự hào vì có một người phụ nữ như Viola Davis đại diện cất tiếng nói cho họ.
Cho đến hiện tại, với giải Oscar vừa nhận được, Viola đã trở thành nghệ sĩ da màu đầu tiên trong lịch sử đã nhận được cả ba giải thưởng danh giá: Tony Awards (sân khấu), Emmy Awards (truyền hình) và Oscar (điện ảnh). Chỉ còn thiếu một giải Grammy nữa thôi là Viola sẽ có đủ bộ tứ "huyền thoại" EGOT (Emmy, Grammy, Oscar, Tony).
Người ta vẫn nói về Hollywood như là một thế giới đầy hào nhoáng, cạm bẫy và bất công. Đó là nơi mà phụ nữ vẫn bị coi thường hơn nam giới. Đó là nơi mà sự khác biệt màu da vẫn tạo nên những rào cản ngăn những nghệ sĩ da màu đạt được ước mơ. Thế nhưng vẫn có những người miệt mài cần mẫn góp nhặt từng vai diễn nhỏ để có được thành công lớn, đó chính là Viola Davis.
Câu chuyện về cuộc đời Viola Davis và những thành công trong sự nghiệp Hollywood của cô chắc chắn sẽ còn được nhắc tới rất nhiều như là một nghệ sĩ truyền cảm hứng tới tất cả mọi người. Hi vọng cô sẽ còn tiến xa trong chặng đường phía trước để khán giả còn tiếp tục được nghe những bài phát biểu tuyệt vời và tràn đầy xúc cảm.