Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan vừa thông qua thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Thoả thuận được cho là nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu, trong đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập, còn Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.
Về phía Vingroup, việc chuyển nhượng này, sẽ là bước quan trọng trong việc tập trung toàn bộ nguồn lực cho hai lĩnh vực then chốt của công ty này là VinFast và VinSmart. Trước đó, Vingroup từng khẳng định công ty này đang phải "thắt lưng buộc bụng", bán bớt các cổ phần của Tập đoàn và các công ty con… để thu xếp tài chính cho các bước phát triển tiếp theo của hai dự án trên..
Trước tháng 8/2019, VinCommerce là đơn vị sở hữu 3 thương hiệu lớn của Vingroup, gồn Vinmart, Vinmart+ và Adayroi. Nhưng mới đây, Vingroup đã thực hiện việc tách từ VinCommerce ra thêm 2 công ty mới là CTCP Đầu tư kinh doanh và Thương mại P&S và CTCP Phát triển thương mại dịch vụ Adayroi, trong đó Adayroi vẫn đóng vai trò là sàn thương mại điện tử với vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Riêng công ty Đầu tư kinh doanh và Thương mại P&S có vốn điều lệ 1.698 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Vincommerce trước khi tách Adayroi và Đầu tư kinh doanh và Thương mại P&S là 8.184 tỷ đồng, giảm xuống còn 6.436 tỷ đồng sau khi chia tách. Vingroup vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại 3 công ty trên là 64,3%.
Đồng thời với việc tách công ty, Vingroup thành lập CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM với vốn điều lệ 1 tỷ đồng do Phó Tổng giám đốc Vingroup Mai Hương Nội làm Chủ tịch HĐQT. Vingroup sẽ sở hữu cổ phần VinCommerce qua VCM. Sau đó, vốn điều lệ của VCM đã được đưa lên mức 6.437 tỷ đồng, bằng đúng vốn điều lệ của của VinCommerce, trở thành công ty mẹ sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+.
Tháng 9/2019, một nhóm các quỹ đầu tư nước ngoài, đứng đầu là Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đã rót 500 triệu USD để sở hữu 16% vốn VCM. Hiện tại, VinMart có 115 siêu thị, trong khi VinMart+ có 2.438 cửa hàng, lớn nhất trong các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.
Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với Nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.