Theo cập nhật mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), tính đến cuối phiên 25/10, Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) đã mua được hơn 41 triệu cổ phiếu quỹ , chiếm 11,16% tổng số lượng đăng ký. Con số này tăng thêm hơn 12 triệu đơn vị so với cuối phiên 24/10.
Trong những phiên đầu thực hiện thương vụ , giao dịch tại cổ phiếu VHM giao dịch tương đối sôi động với khối lượng khớp lệnh hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, đứng đầu thị trường và gấp 2, 3 lần giai đoạn trước đó.
Kết phiên 25/10, thị giá đạt 43.850 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 9% so với trước khi thương mua cổ phiếu quỹ được triển khai. Tạm tính theo thị giá đóng cửa, Vinhomes đã chi ra gần 2.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ trong 3 phiên đầu tiên.
Trước đó, VHM công bố sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ. Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 23/10, kết thúc vào 21/11. Mục đích mua lại được Vinhomes thông báo là do thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực. Do đó, việc mua lại cổ phiếu quỹ để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông.
Mỗi ngày Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu hơn 11 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch. Nguồn vốn thực hiện mua lại từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm nay. Ước tính theo thị giá hiện tại, Vinhomes cần chi khoảng 17.000 tỷ đồng để thực hiện.
Phương án mua lại cổ phiếu quỹ được đại hội cổ đông Vinhomes thông qua tại nghị quyết ngày 4/9, lấy ý kiến bằng văn bản. Theo đó, VHM sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ của công ty, tương đương 8,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Trong trường hợp số cổ phiếu mua lại đạt mức tối đa, vốn điều lệ của VHM sẽ giảm từ hơn 43.500 tỷ đồng xuống còn hơn 39.800 tỷ đồng.
Từ khi lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ vào đầu tháng 8, VHM đã tăng hơn 31% thị giá. Vốn hóa thị trường Vinhomes theo đó cũng tăng thêm hơn 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) sau hai tháng, đạt xấp xỉ 198.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD).
Như vậy, vốn hóa của Vinhomes trên thị trường chứng khoán đã vượt qua VietinBank để trở lại vị trí thứ 4 trong danh sách doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam, chỉ sau Vietcombank, BIDV và FPT.
Cần phải nói thêm rằng, trong lịch sử 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng ghi nhận giao dịch mua cổ phiếu quỹ lớn như kế hoạch lần này của Vinhomes. Nguyên nhân bởi giảm vốn điều lệ đã trở thành quy định bắt buộc đối với các tổ chức khi thực hiện mua lại cổ phần từ các cổ đông sau khi Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 2019 và cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Nửa đầu năm nay, Vinhomes ghi nhận doanh thu đạt gần 36.430 tỷ đồng. Riêng quý II, VHM đạt doanh thu hơn 28.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 10.600 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VHM đạt lợi nhuận sau thuế trên 11.510 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Vinhomes đạt hơn 494.460 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cuối năm ngoái. Vốn chủ sở hữu cũng tăng khoảng 13% lên khoảng 206.780 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Vinhomes phát hành thêm 12.500 tỷ đồng trái phiếu.