LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt hồi ức của các cựu chiến binh về những ngày tháng hết sức gian khổ nhưng lại rất đỗi hào hùng ấy.
--------
Bài 1: Sự kiện "có một không hai" trong lịch sử của Bộ đội Tên lửa Việt Nam: Nhiệm vụ tuyệt mật
Bài 2: Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Giải mật lời đồn lính xe tăng Bắc Việt bị xích vào xe
Bài 4: Tiết lộ lý do xe tăng ta rách "te tua" khi vào Dinh Độc Lập, T-90 tối tân cũng có hiểm họa
--------
Bài 5: Vinh dự đặc biệt của Bộ đội tên lửa Việt Nam: "Rồng lửa" duyệt binh - Ngày mong đợi ấy đã đến!
Từ cuộc hành quân "có một không hai" của Bộ đội tên lửa Việt Nam...
Đã thành lệ từ nhiều năm nay, vào những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, những cựu chiến binh Trung đoàn 263 Anh hùng - Trung đoàn Tên lửa phòng không duy nhất tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 lại cùng nhau ôn lại những ký ức về cuộc hành quân "có một không hai" của Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam.
Chính họ là những nhân chứng sống, những người trực tiếp đưa "rồng lửa" SAM-2 vượt hơn 1.000 cây số đường Tây Trường Sơn, vòng qua đất bạn Lào vào áp sát Sài Gòn, kịp tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước!
Đặc biệt, những người lính năm xưa lại sống dậy xúc động tự hào của ngày 15/5/1975 khi đưa "rồng lửa" oai hùng vẫn bám đầy khỏi lửa chiến trường về tham gia cuộc duyệt binh mừng chiến thắng trên đường phố Sài Gòn vừa giải phóng!
Tác giả Nguyễn Hữu Mão - Cựu chiến binh Trung đoàn 263 Tên lửa phòng không
Trưa ngày 30/4/1975, khi lá cờ chiến thắng của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ với một Sài Gòn gần như nguyên vẹn, với một không khí hân hoan của đoàn tụ hai miền... thì cũng là lúc xuất hiện một ý tưởng thật tuyệt vời từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Đó là: Cần phải có một cuộc diễu binh và diễu hành quần chúng hoành tráng để khuếch trương thắng lợi, để thể hiện sức mạnh dân tộc và cũng là để cố kết lòng người. Và cuộc diễu binh và diễu hành được ấn định sẽ tiến hành vào ngày 15/5/1975.
Thông thường, để chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh tầm cỡ quốc gia, công tác chuẩn bị và luyện tập phải kéo dài vài tháng.
Ấy vậy mà để chuẩn bị cho cuộc diễu binh và diễu hành mừng hòa bình, thống nhất đất nước ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn vừa được giải phóng, thời gian vỏn vẹn chỉ có 2 tuần lễ.
Tất cả các khâu từ lập kế hoạch, lên kịch bản, xác định các thành phần tham gia, sử dụng những loại trang bị gì, nhân lực, vật lực huy động từ đâu, bảo đảm vật chất thế nào... phải hết sức cụ thể, tỷ mỷ đến từng chi tiết.
Rồi việc trang trí ra sao, bảo vệ an ninh như thế nào... là cả một "núi công việc" mà những người tổ chức cuộc diễu binh và diễu hành quần chúng phải đặt ra để giải quyết.
Còn đối với các lực lượng tham gia diễu binh thì thời gian luyện tập như thế là quá ít ỏi. Đặc biệt, đối với khối các đơn vị binh chủng kỹ thuật thì "núi công việc" đó được nhân lên gấp mấy lần.
Bộ đội xe tăng tham gia diễu binh tại Sài Gòn ngày 15/05/1975.
Nếu như người chiến sĩ bộ binh chỉ cần tập trung luyện tập động tác cá nhân thì các chiến sĩ khối khí tài binh chủng vừa lo luyện tập lại còn phải lo bảo dưỡng, "tân trang" những con "tuấn mã", "voi thép", "rồng lửa"... của mình sao cho thật đẹp trước khi ra mắt hàng triệu người dân thành phố "thủ đô" của chế độ Việt Nam cộng hòa vừa được ta giải phóng.
Với cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 263 tên lửa phòng không chúng tôi thì đây là một vinh dự đặc biệt! Đặc biệt bởi đơn vị chúng tôi là Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên và duy nhất cuả Quân Giải phóng miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Từ nhiệm vụ bảo vệ vùng trời thủ đô của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở Quảng Trị, đơn vị chúng tôi đã hành quân vượt Trường Sơn qua đất bạn Lào vào bao vây áp sát Sài Gòn - sào huyệt của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Vì hành quân trên chặng đường dài hơn 1.000 cây số và cực kỳ khó khăn hiểm trở như thế nên khí tài tên lửa của đơn vị chúng tôi vào đến Sài Gòn đúng là không khác gì những con trâu đất - thậm chí có những ô tô, xe khí tài bị móp méo, vênh váo, sứt sẹo…
... tới cuộc duyệt binh cũng "độc nhất vô nhị"
Đến hôm nay, đã 45 năm trôi qua nhưng Đại tá Tống Ngọc Dũng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến điện tử Bộ Quốc phòng, cựu chiến binh của Trung đoàn 263, người tham gia cuộc diễu binh năm ấy với cấp bậc Thượng úy, quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 44 của Trung đoàn - vẫn nhớ lại không khí sôi nổi và tự hào trong những ngày đầu tháng 5/1975.
Ông Dũng kể: "Sau khi nhận được chỉ thị của cấp trên giao cho Trung đoàn 263 phải chuẩn bị 16 xe TZM kéo đạn tên lửa tham gia cuộc duyệt binh thì các đơn vị trong Trung đoàn không khác gì những công xưởng cơ khí.
Nhóm thì lo bảo dưỡng máy móc ô tô. Nhóm thì tỉ mỉ gò, hàn, đắp vá những chỗ sứt sẹo trên xe sau chặng hành quân đường dài. Nhóm thì cẩn thận lau chùi sạch bóng từng quả đạn tên lửa.
Nhóm thì dùng vòi cao áp xịt nước rửa sạch sẽ mọi dấu vết bụi đường chinh chiến, xong rồi lại hì hụi sơn sơn, vẽ vẽ làm đẹp cho những "đứa con cưng" của mình…
Đại tá Tống Ngọc Dũng (đứng giữa) trong một lần cùng các bạn chiến đấu Trung đoàn 263 về thăm lại đơn vị cũ. Ảnh: Nguyễn Hữu Mão.
Có hôm còn làm cả ban đêm vì các loại máy móc phải luân phiên sử dụng. Tuy nhiên, trong không khí hân hoan của những ngày hòa bình, thống nhất đầu tiên, anh em chúng tôi làm không biết mệt.
Chúng tôi đều bảo nhau: "Lúc đánh địch có sao dùng vậy, chẳng ai quan tâm đến hình thức nhưng bây giờ là đi "ăn cỗ" thì cũng phải tươm tất một tí chứ"!
Chính vì thế, với khối lượng công việc lẽ ra phải mất hàng tuần mới xong thì chúng tôi đã hoàn thành trong có vài ngày để kịp đưa xe kéo đạn tên lửa đến nơi tập trung luyện tập duyệt binh ở doanh trại mà trước đó ít ngày là cơ quan Bộ Tổng tham mưu của quân đội Việt Nam cộng hòa, gần sân bay Tân Sơn Nhất.
Phần luyện tập này chủ yếu liên quan đến các lái xe, còn các thành phần khác thì không có gì lớn lắm.
Nhưng thực ra, đối với những lái xe đã đưa những cỗ xe máy khí tài tên lửa cồng kềnh vượt cả nghìn ki - lô - mét đường Trường Sơn vào đến đây thì việc điều khiển xe không có gì phức tạp lắm. Chủ yếu là giữ cự ly khoảng cách giữa các xe cho đều.
Những chiếc xe chở đạn tên lửa của Trung đoàn 263 tham gia lễ diễu binh mừng chiến thắng trên đường phố Sài Gòn ngày 15/5/1975.
Không thể kể hết niềm tự hào của các anh em lái xe được nhận nhiệm vụ lái xe kéo đạn tên lửa tham gia diễu binh. Phần nhiều trong số họ là những lính già, từng trải qua chiến đấu khắp các trường với chiến công thầm lặng ít khi được nhắc đến.
Bởi lẽ khi tuyên dương chiến công bắn rơi máy bay Mỹ thường báo chí chỉ nói đến các cán bộ chỉ huy tiểu đoàn, sĩ quan điều khiển, các trắc thủ điều khiển tên lửa mà thôi.
Vậy mà, những ngày đầu tháng 5 năm 1975, nhiều sĩ quan và trắc thủ lại "ghen" với anh em lái xe vì cánh lái xe được vinh dự trực tiếp kéo đạn tên lửa tham gia cuộc diễu binh lịch sử!"
Ngày mong đợi ấy đã đến!
Sáng 15/5/1975, các khối diễu binh và diễu hành đã đội ngũ chỉnh tề ở nơi tập trung và cũng là điểm xuất phát là doanh trại cũ của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam cộng hòa. Khi có lệnh xuất phát, các khối diễu binh bắt đầu thứ tự hành tiến.
Nhớ lại ngày ấy, Trung tá Phan Ngọc Tuất, nguyên Chính ủy Trung đoàn 263 thời kỳ sau này, khi đó là Thiếu úy, trợ lý duy nhất của Ban Chính trị Trung đoàn được vinh dự phân công ngồi trên ca bin bên cạnh lái xe của một xe kéo đạn tên lửa tham gia diễu binh, xúc động hồi tưởng:
"Đoàn xe tên lửa của Trung đoàn 263 chúng tôi rời doanh trại Bộ Tổng Tham mưu cũ của quân đội Việt Nam cộng hòa ra đường Công Lý, nay là đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Nam Kỳ khởi nghĩa, thẳng tiến về hướng Dinh Độc Lập là nơi đặt lễ đài của cuộc mit tinh mừng chiến thắng.
Trung tá Phan Ngọc Tuất (thứ 2 từ trái sang) và các bạn chiến đấu dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hung LLVT của Tiểu đoàn 43 của Trung đoàn 263 năm 2011. Ảnh: Nguyễn Hữu Mão.
Suốt dọc hai bên đường phố, bà con nhân dân đứng chen chân nhìn đoàn xe tăng, tên lửa và các loại vũ khí chúng tôi đi qua. Bên những gương mặt còn bỡ ngỡ là nhiều người không giấu được niềm vui sướng giơ ta vẫy vẫy.
Loáng thoáng, chúng tôi cũng thấy nghe thấy tiếng người từ dưới đường hỏi vọng lên:
"Có ai quê Hà Tây, Nam Định không…?". Đặc biệt, nhiều người trầm trồ thán phục khi nhìn thấy những chiếc xe chở đạn tên lửa của chúng tôi. Một số người không kìm nén được đã chạy ra sờ vào cánh những quả đạn tên lửa.
Ngồi trong ca bin cạnh lái xe hạ cửa kính vẫy chào mọi người, tôi nghe thấy tiếng bà con trầm trồ:
"Súng lớn thế này quân ông Thiệu thua là phải"; " Ối… trời…! Hỏa tiễn này đã hạ gục siêu pháo đài bay B-52 của Huê Kỳ đó!"…
Nhiều bà con thấy thế cũng ùa ra sờ cánh tên lửa và bám theo xe đi chậm thành thử khối xe tên lửa của Trung đoàn lúc đầu xếp mỗi hàng 2 xe đi song song bên cạnh nhau chỉ duy trì được đội hình đến khi qua lễ đài cuộc mit tinh trước Dinh Độc Lập.
Những chiếc xe chở đạn tên lửa của Trung đoàn 263 tham gia lễ diễu binh mừng chiến thắng trên đường phố Sài Gòn ngày 15/5/1975.
Sau đó do bà con nhân dân ùa ra bám theo xe ngày càng đông nên đường phố bị thu hẹp dần nên chúng tôi phải điều chỉnh đội hình thành mỗi hàng 1 xe để bà con nhân dân thoải mái đi theo xe biến thành một cuộc diễu hành tự nguyện hết sức vui vẻ và phấn khởi" - ông Tuất xúc động nhớ lại!
Nhớ về cuộc diễu binh mừng chiến thắng giữa thành phố Sài Gòn vừa giải phóng năm ấy, nhiều cựu chiến binh Trung đoàn 263 tên lửa Phòng không chúng tôi đều nhớ về Trung tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tích - người chỉ huy khối diễu binh tên lửa của Trung đoàn.
Người lính già tóc bạc ấy năm nay vừa tròn 90 tuổi đời và gần 70 năm tuổi Đảng.
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 263 Nguyễn Văn Tich (người mặc quân phục đeo Huân Huy chương) tiếp các bạn chiến đấu của Trung đoàn 263 đến thăm tại Phòng Truyền thống của gia đình. Tác giả bài viết đứng thứ 3 từ phải sang. Ảnh: Nguyễn Hữu Mão.
Trong một lần các cựu chiến binh Trung đoàn 263 về thăm gia đình ông ở xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình mới đây, tại Phòng Truyền thống của gia đình trưng bày khá nhiều hình ảnh và hiện vật, chúng tôi đã được nghe ông tâm sự về những niềm xúc động tự hào không thể nào quên trong đời quân ngũ.
Ông kể, trong những năm tháng làm người lính phòng không bảo vệ bầu trời Tổ quốc, có 2 sự kiện khiến ông vô cùng xúc động.
Sự kiện thứ nhất là dịp kỷ niệm Quốc khánh năm 1969, Tiểu đoàn 56 tên lửa do ông làm Tiểu đoàn trưởng đã được Bác Hồ tặng lẵng hoa cuối cùng của Người trước ngày Người mãi mãi đi xa cho chiến công của Tiểu đoàn đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay trinh sát không người lái của Mỹ vào do thám Hà Nội ngày 28/8/1969.
Sự kiện thứ hai là chỉ huy khối xe tên lửa tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 giữa thành phố Sài Gòn vừa giải phóng.
Không ngăn được những giọt lệ ứa trên khóe mắt, ông Tích tâm sự, trong giờ phút ấy, ông bỗng nhớ đến người em trai là liệt sỹ chống Pháp, nhớ về người con trai lớn của ông nhập ngũ năm 1968 và hy sinh ở chiến trường năm 1971…
Đặc biệt, ông càng nhớ về các đồng đội đã hy sinh để ông và những anh em may mắn còn sống được tham gia cuộc diễu binh lịch sử có một không hai này!
Vâng! Để đi tới cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975, cả dân tộc ta đã trải qua một cuộc trường chinh đầy hy sinh, mất mát nhưng cũng thật sự oanh liệt, vẻ vang!
Còn chúng tôi, những cựu chiến binh của Trung đoàn 263 thì vẫn nhớ mãi cuộc diễu binh ấy với hình ảnh những con "rồng lửa" từ mặt trận còn mang đẫm khói lửa và bụi đường chinh chiến về thẳng sào huyệt của kẻ thù tham gia cuộc diễu binh có một không hai trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hung!