Giới mộ điệu cải lương đau buồn khi hay tin nghệ sĩ Thành Được qua đời ngày 16/11 tại San Joe, California, Mỹ, thọ 89 tuổi. Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, Thành Được là một trong những kép nam nổi tiếng nhất của nghệ thuật miền Nam.
Nếu danh hiệu vua vọng cổ thuộc về nghệ sĩ Út Trà Ôn, Minh Chí được mệnh danh là vua xàng xê, khi nói về Thành Được, khán giả và đồng nghiệp ưu ái gọi ông là ông vua không ngai.
Cách ví von trên có hàm ý Thành Được không cần bất cứ danh hiệu ông hoàng, bà chúa nào vẫn tỏa sáng trên sân khấu khi đóng cặp cùng những cô đào sáng giá nhất bấy giờ là Út Bạch Lan và Thanh Nga.
Thành Được gặp lại Út Bạch Lan trong một lần biểu diễn tại Mỹ.
Kép chánh thượng thặng của sân khấu cải lương
Đó là nhận định của ký giả Nguyễn Ang Ca (tức soạn giả Ngọc Huyền Lan) dành cho kép Thành Được.
Thập niên 1950, khi sân khấu cải lương toàn những thợ ca như Minh Chí, Út Trà Ôn, Hữu Phước... Thành Được xuất hiện như làn gió mới trên văn đàn nghệ thuật.
Thành Được là một trong những nghệ sĩ cải lương đời đầu hội tụ đủ yếu tố sắc vóc sáng sân khấu (hay còn gọi là kép đẹp) cùng giọng ca sang trọng, ca trong diễn, tối ưu hóa diễn xuất cạnh lời ca.
Đó là lý do khi đi hát ở đoàn không quá nổi tiếng, tên tuổi Thành Được đã nổi đình đám với vai Tô Điền Sơn trong tuồng hương xa (màu sắc Nhật Bản) mang tên Khi hoa anh đào nở.
Trong hồi ký của NSND Viễn Châu, ông nhận định trong bộ ba kép chánh những năm 1960, Hữu Phước (cha của ca sĩ Hương Lan) nổi bật với giọng hát trầm ấm, sắp nhịp thượng thừa, Hùng Cường là kép đẹp ghi dấu ấn khi lấn sân từ tân nhạc sang cải lương. Ở Thành Được, ông kết hợp được hai yếu tố mà chưa kép hát nào làm được: chất giọng đẹp cùng gương mặt sáng sân khấu.
Thành Được và Út Bạch Lan khi còn là vợ chồng.
Nhắc về Thành Được, khán giả nhớ về kép chánh hát cặp với đào chánh sáng giá nhất bấy giờ là nghệ sĩ Út Bạch Lan.
Khi Thành Được kết hợp với Út Bạch Lan, soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng đã "đo ni đóng giày" vai diễn Tùng và Hương cho cặp diễn viên trong Nửa đời hương phấn - vở cải lương kinh điển của nghệ thuật cải lương miền Nam.
Chất giọng sang trọng, lối diễn tự nhiên của Thành Được hoàn toàn hợp vai Tùng, thanh niên yêu cô gái bán hoa tên Hương, sau đó số phận trớ trêu buộc Tùng phải cưới Diệu (em gái của Hương).
Đoạn Tùng, Hương và Diệu gặp lại trong hoàn cảnh trớ trêu dưới diễn xuất mẫu mực của Thành Được, Út Bạch Lan và Ngọc Nuôi (phiên bản sau này là Thành Được, Thanh Nga - thay Út Bạch Lan - cùng Bạch Tuyết) ghi dấu ấn với khán giả hơn nửa thế kỷ.
Trong một lần phỏng vấn, nghệ sĩ Út Bạch Lan nói đoạn Tùng gặp lại Hương, muốn gọi em mà không thể vì lỡ cưới em gái của người tình, buộc gọi Hương là chị hai dưới diễn xuất của Thành Được trở thành khuôn mẫu diễn xuất.
Sau này, khi gặp lại Út Bạch Lan tại Mỹ, Thành Được hoàn toàn thuyết phục với vai Tùng bất lực khi đối diện số phận trớ trêu. Những đoạn Tùng ấp úng, gọi chị hai trong ngập ngừng, dằn vặt, giấu giếm vợ để nhìn người tình bằng đôi mắt ướt át, được nhiều thế hệ nghệ sĩ sau học theo nhưng chưa bao giờ chạm tới lối diễn xuất được mệnh danh là "thượng thặng".
Dấu ấn của vua không ngai Thành Được
Sau khi hôn nhân của Thành Được và Út Bạch Lan tan vỡ, nam nghệ sĩ gắn bó với người tình sân khấu (chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật) Thanh Nga.
Bên cạnh tuồng kinh điển Nửa đời hương phấn , vở cải lương xã hội Sân khấu về khuya làm nên tên tuổi sáng rực cho Thành Được - Út Bạch Lan.
Trong sân khấu về khuya, Thành Được đóng vai Lĩnh Nam, ông bầu đã ly thân vợ là đào hát Giáng Hương (Thanh Nga) để cặp kè với cô gái điếm nhà giàu Mỹ Tiên. Tuy ly thân, Lĩnh Nam luôn ghen mỗi khi Giáng Hương nói chuyện với người đàn ông khác.
Qua diễn xuất của Thành Được, Lĩnh Nam thể hiện là người đàn ông gia trưởng, ghen tuông, một mặt thương vợ, mặt khác muốn chạy theo xa hoa phù phiếm, lấy cô gái điếm Mỹ Tiên vì muốn có tiền để duy trì gánh hát.
Cũng là Thành Được, nhưng Tùng của Nửa đời hương phấn là thanh niên chưa trải mùi đời, Lĩnh Nam của Sân khấu về khuya là người đàn ông tính toán, độc đoán hoàn toàn khác biệt, tạo nên tiếng tăm cho ông vua không ngai.
Thanh Nga - Thành Được thành công khi kết hợp trong nhiều vở tuồng như Sân khấu về khuya, Tiếng hạc trong trăng...
Vai diễn ấn tượng khác chưa ai vượt qua Thành Được là tướng cướp Thi Đằng trong vở cải lương Tiếng hạc trong trăng . Vai diễn người đàn ông đạo mạo vì biến cố cuộc sống buộc trở thành tướng cướp, sau này phát hiện con gái còn sống bị mù, sẵn sàng móc mắt để con gái được sáng mắt là mốc son trong sự nghiệp của kép hát Thành Được.
Đoạn tướng cướp Thi Đằng nghĩ về tương lai có cháu ngoại, đoạn gằn giọng với Xuyên Lan trước khi phát hiện cô là con gái, đoạn bi kịch trả thù cho người giết vợ mình... giúp Thành Được đoạt giải Thanh Tâm danh giá năm 1964.
Sau ngày đất nước giải phóng, Thành Được tiếp tục ghi dấu ấn với vai diễn thầy giáo nghèo Võ Minh Thành bị hội đồng Thăng (nghệ sĩ Diệp Lang) vu oan làm quốc sự để đoạt người vợ đang mang thai (nghệ sĩ Bạch Tuyết) trong Đời cô Lựu.
Đoạn thầy giáo Thành uất nghẹn không nói nên lời vì bị vu khống, sau này vượt ngục trở về gặp lại con trai (nghệ sĩ Minh Vương đóng), đoạn gặp lại cô Lựu sau 19 năm lao lung ngoài Côn Đảo... dưới diễn xuất của Thành Được thể hiện được tấn bi kịch của trí thức nghèo trong thời đại nhiễu nhương.
Khi gặp lại nhau trên đất Mỹ, Thành Được xuất sắc thể hiện vai thầy giáo Thành cạnh cô Lựu Bạch Tuyết. "Những gì tốt đẹp nhất, Tổ nghiệp đều dành cho ông", NSND Bạch Tuyết nói về nghệ sĩ Thành Được.
Sau khi sang Mỹ định cư, Thành Được gần như giã từ sân khấu. Ông sống cuộc đời yên bình bên người vợ sau. Những năm cuối đời, ông bị lẫn nhiều, không nhớ đồng nghiệp.
Trong một lần sang thăm, dù bước đi không kiểm soát, nhưng khi được nghệ sĩ Phượng Liên yêu cầu hát vai tướng cướp Thi Đằng, ông vẫn nhớ như in, thể hiện câu hát để đời với giọng hát sáng, trầm ấm.
Giờ đây, cái tên Thành Được chỉ còn là ký ức. Lĩnh Nam đã về với Giáng Hương Thanh Nga, Tùng đã về với Hương Út Bạch Lan. Sân khấu cải lương lại mất thêm ngôi sao sáng chói mang tên Thành Được, ông hoàng không ngai trong lòng giới mộ điệu khán giả.