Theo Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam, trong quý III, thị trường chứng kiến sự chững lại của nhiều địa phương, bao gồm cả những thị trường từng được cho là phát triển mạnh như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đà Nẵng…
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội, cho rằng tín dụng vào bất động sản bị siết cùng trình tự thủ tục đầu tư quy định tại các văn bản pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa thống nhất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, thị trường BĐS trong quý III đánh dấu sự sụt giảm cả về nguồn cung và giao dịch so với cùng kỳ. Đặc biệt, theo số liệu từ Hội Môi giới BĐS, tỷ lệ hấp thụ căn hộ chung cư đạt mức thấp nhất trong 3 năm qua, khoảng 60,5%.
Thanh Hoá là một trong những thị trường BĐS sôi động nhất trong quý III. Ảnh: Báo Đầu Tư.
Tuy nhiên, theo ông Đính, trong bối cảnh các thị trường BĐS lớn ảm đảm thì 2 địa phương là Nghệ An và Thanh Hoá đang thu hút nhiều dự án hơn bao giờ hết.Tại Quảng Ninh, chính quyền địa phương đang quản lý và kiểm soát rất chặt chẽ việc chào bán các sản phẩm BĐS, lương cung hàng hoá ra thị trường được cho là hạn chế.
Trong quý, gần 300 sản phẩm mới đến từ 2 dự án là Ka Long Center City (đất nền) Grand Bay Ha Long (biệt thự, nhà liền kề) được chào bán ra thị trường.
Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 50%. Tại các thị trường như Vân Đồn, Uông Bí… lượng giao dịch cũng chững lại dù thì trường có nhiều tiềm năng.
Số liệu của Hội Môi giới BĐS cho thấy trong quý III, thị trường BĐS Thanh Hoá sôi động bởi các dự án đô thị và đất nền với hàng nghìn sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt 90%.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư tại 2 tỉnh đạt hơn 400 sản phẩm, giá giao động từ 10-16 triệu đồng/m2.
Một số dự án chung cư nổi bật như Xuân Mai Tower Thanh Hoá, Ruby Tower... Ngoài ra, 2 địa phương này cũng đang thu hút các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, Flamingo, Eurowindow…