Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã đưa ra thông báo Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ 2024, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng dự hội nghị với Thủ tướng và lãnh đạo các tập đoàn lớn còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Cuộc họp sẽ diễn ra lúc 8h ngày 14/3/2024 tại Trụ sở Chính Phủ.
Những doanh nghiệp xuất hiện trong thư mời gồm Vingroup, Sungroup, Geleximco, FPT, Masan Group, TH, Đèo Cả, Novaland, Hưng Thịnh, Savico, Taseco, Becamex IDC, Phát Đạt, Hoàng Quân, Vinaconex.
Cần biết, đây đều là những tổng công ty, tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực mà mình đang kinh doanh. Để có cái nhìn trực quan hơn về "độ lớn" của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế, ta cần biết về những chỉ số tài chính của họ.
Trong số này, chỉ có Sungroup, Geleximco, Đèo Cả, TH và Hưng Thịnh, Taseco là những công ty không niêm yết, tuy vậy cũng có một số công ty thành viên đại diện trên sàn. Tuy nhiên, các công ty này đều đang sở hữu những hệ sinh thái khổng lồ, trải dài ở nhiều lĩnh vực và đặc biệt đều có cho mình những dự án bất động sản nhà ở hay nghỉ dưỡng đắc địa.
Còn những công ty còn lại, đây đều là những tên tuổi lâu nắm trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong năm 2023 vừa qua, các công ty này đã mang về tổng cộng gần 33.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Vingroup (VIC) là công ty lãi lớn nhất trong số này khi mang về 13.681 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang thuộc sở hữu của người giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, nắm trong tay những thương hiệu nổi tiếng như Vinhomes, VinFast hay Vincom. Cơ sở kinh doanh của tập đoàn này cũng trải dài từ năm đến bắc.
Ngoài Vingroup, FPT, Masan Group nay Novaland cũng báo lãi trước thuế nghìn tỷ trong năm qua. Trường hợp lỗ duy nhất trong số các công ty nói trên là Gạo Trung An (TAR) với lợi nhuận âm 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này cũng là một trong những "ông lớn" của ngành gạo.
Tiếp theo là xét đến lượng tài sản đang nắm giữ, các công ty niêm yết được triệu tập đến trong lần này sở hữu tổng tài sản đạt 1,29 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 318.000 tỷ đồng. Lượng tài sản này bao gồm đất, tài sản cố định, số tiền mặt... và cả nợ vay.
Trong đó, Vingroup, Novaland hay Masan Group đang các doanh nghiệp phi tài chính sở hữu lượng tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán. Đi kèm với nhiều tài sản, các doanh nghiệp này cũng sở hữu lượng "nợ vay" khổng lồ nên các chính sách tiền tệ đưa ra hoặc câu chuyện tỷ giá sẽ có một tác động không nhỏ.
Về vốn hóa, các doanh nghiệp này có tổng giá trị đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Đa số các công ty đều ghi nhận vốn hóa tăng. Trong đó, Vingroup, FPT hay Masan Group thường xuyên góp mặt trong danh sách có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng.
Trong thời gian gần đây, với sự ảm đạm của nền kinh tế trong nước và toàn cầu, việc Chính phủ cũng như Thủ tướng có triệu tập một cuộc họp gấp như vậy có thể tháo gỡ phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh tỷ giá liên tục leo thang, thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng, đơn hàng xuất khẩu giảm, người dân thắt chặt chi tiêu... ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty này. Vì vậy, các tổng công ty, tập đoàn lớn cũng mong muốn sẽ được Chính phủ hỗ trợ phần nào để vượt qua giai đoạn này.