Phối cảnh cầu Tứ Liên. Ảnh: Đơn vị thiết kế
Theo đó, mới đây Tập đoàn Vingroup gửi văn bản lên UBND TP Hà Nội đề xuất xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Hợp đồng BT).
Trên thực tế, dự án cầu Tứ Liên được coi là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội. Dự án nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch, dự án cầu Tứ Liên kết nối bờ phía tây của sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm (thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ) với bờ đông sông Hồng, thuộc địa phận của huyện Đông Anh. Đồng thời, cầu Tứ Liên sẽ kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và đường Vành đai 3.
Hiện nay, bờ phía tây sông Hồng là đường vành đai chính kết nối cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương, do đó chịu áp lực giao thông rất lớn. Vì vậy, sau khi đi vào hoạt động, cầu Tứ Liên không chỉ san sẻ áp lực cho các cầu hiện hữu mà còn làm gia tăng hiệu quả phân luồng giao thông, cũng như giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường chính.
Vingroup từng đầu tư xây dựng dự án công trình hạ tầng giao thông, chẳng hạn như án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Với kinh nghiệm này, tập đoàn cam kết sẽ hoàn thành cầu Tứ Liên đúng tiến độ, chất lượng, xứng tầm là một trong những công trình biểu tượng mới của Hà Nội.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã báo cáo lên Chính phủ về tiến độ hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trên địa bàn xã Đông Hội và xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) trong tháng 7/2025 nhằm chào mừng Lễ kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025).
Theo đó, khi đi vào hoạt động, cùng với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, cầu Tứ Liên sẽ góp phần đáp ứng lưu lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham dự hội chợ, triển lãm, từ đó thúc đẩy giao thương kinh tế khu vực phía Bắc sông Hồng và các vùng lân cận TP Hà Nội.
Bất động sản hưởng lợi từ cầu Tứ Liên
Theo nhận định của các chuyên gia, việc hình thành cầu Tứ Liên không chỉ mang lại một bước tiến lớn trong việc cải thiện hạ tầng giao thông mà còn tăng giá trị cho thị trường bất động sản của nhiều khu vực ở Thủ đô. Cụ thể, các khu vực như Tây Hồ, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ cầu Tứ Liên. Nguyên nhân là nhờ vào sự cải thiện kết nối, khả năng tiếp cận nhanh chóng đến các khu vực trọng điểm của Hà Nội.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, các dự án nhà ở, thương mại và khu đô thị mới sẽ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư tại các khu vực trên, nhờ có tiềm năng sinh lời và tính thanh khoản cao. Khu vực ở xung quanh cầu Tứ Liên, nhất là Đông Anh đang trở thành điểm nóng đầu tư nhờ sự phát triển hạ tầng đồng bộ.
Các dự án bất động sản, từ căn hộ, nhà phố, đến đất nền đều đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Điều này tạo nên một làn sóng đầu tư mới, hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể trong tương lai.
Không chỉ thúc đẩy bất động sản, cầu Tứ Liên còn mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực về mặt kinh tế - xã hội. Theo đó, cơ hội việc làm, thương mại và dịch vụ sẽ được mở rộng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Cầu Tứ Liên chịu được động đất cấp 8
Tứ Liên là một trong số 8 cây cầu vượt qua sông Hồng được TP Hà Nội phê duyệt triển khai. Đây cũng là cây cầu thứ 7 nối liền trung tâm thành phố và các quận, huyện bên kia sông Hồng.
Cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km. Trong đó, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới.
Nhịp cầu Tứ Liên dài 1.000m, khoảng cách trụ 500m, đỉnh tháp cao 158m. Cầu chịu được động đất cấp 8.
Theo phương án thiết kế đã được phê duyệt, cầu Tứ Liên là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra những nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ. Ngoài ra, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình và kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội.
Dự án cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 19.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, việc xây cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc; đồng thời giúp giãn mật độ dân cư trung tâm thành phố, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Sau khi cầu Tứ Liên hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ giúp rút ngắn khoảng cách từ huyện Đông Anh đến trung tâm TP Hà Nội, với thời gian di chuyển chỉ vỏn vẹn 5 phút. Việc này tạo thành một hệ thống giao thông huyết mạch và nối liền nhiều khu vực trọng điểm.