VinFast công bố tỷ lệ nội địa hoá xe điện đạt 60%, hướng tới hơn 80% năm 2026

Đức Nam |

Hiện tại, VinFast đã nội địa hoá những linh kiện quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe hay giảm xóc. Trong tương lai gần, một số chi tiết khác như đèn, ghế, hệ thống pin cao áp cũng sẽ được nội địa hoá.

Ngày 12/12, trong khuôn khổ sự kiện toạ đàm nội địa hoá ô tô VinFast, hãng sản xuất ô tô Việt lần đầu công bố thông tin về tỷ lệ nội địa hoá trên sản phẩm ô tô điện VinFast. Theo đó, hiện tỷ lệ nội địa hoá của xe điện đã đạt hơn 60% , bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc.

“Chúng tôi đã xây dựng một lộ trình rõ ràng nhằm nâng tỷ lệ nội địa hoá từ hơn 60% hiện nay lên 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất va cung ứng trong nước thêm các chi tiết như ghế xe, dây điện, đèn xe, vành, hệ thống phanh – lái, các linh kiện nội – ngoại thất, kính gương. Tỷ lệ nội địa hoá sẽ đạt 84% vào năm 2026 khi VinFast sản xuất được pin điện, một trong những linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện”, đại diện VinFast chia sẻ.

Để đạt được điều này, VinFast sẽ triển khai một loạt các giải pháp cụ thể gồm 1) phối hợp với các đối tác có sẵn, tận dụng mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ có sẵn để tối ưu hoá nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu; 2) hợp tác chuyển giao công nghệ với mục tiêu đưa công nghệ tiên tiến về Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa; 3) kêu gọi đầu tư, hợp tác cùng phát triển, tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ.

Nói về mục tiêu nội địa hoá đạt hơn 80% sau 2 năm nữa, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay “tôi hoàn toàn tin làm được vì tất cả những gì VinFast đã làm được trong thời gian vừa qua, so với các doanh nghiệp FDI đã vượt trội rồi. VinFast có hơn 7 năm thôi nhưng đã làm được hơn những điều các hãng đã ở Việt Nam hàng chục năm rồi”.

VinFast làm 7 năm thôi nhưng đã hơn những hãng khác làm ở Việt Nam hàng chục năm
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo bà Phạm Chi Lan, khi những hãng sản xuất ô tô như Toyota, Isuzu, Hyundai, Dawoo, Ford vào Việt Nam từ những năm 1990, nhà đầu tư nào cũng cam kết khoảng 30% nội địa hoá sau 10-15 năm, cam kết chuyển giao công nghệ, xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế phần lớn các nhà dầu tư này dùng các doanh nghiệp phụ trợ họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam. Với những ưu đãi này, ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển khi doanh nghiệp Việt chịu thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó là 22% rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi nước ngoài là 10%.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Quang Tuấn – Phó Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ mong muốn VinFast sẽ là “chim đầu đàn”. “VinFast đi đầu nhưng dẫn đàn chứ không đi một mình, giúp Việt Nam bước nhanh, thậm chí bỏ qua một số giai đoạn tuần tự và đi nhanh”, ông nói.

VinFast sẽ là chim đầu đàn - đi đầu nhưng dẫn đàn chứ không đi một mình.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Với GS-TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông cho biết mình bị thuyết phục vì thực tiễn rõ ràng trong lần thứ 2 trở lại nhà máy VinFast mà ông gọi là nhà máy 2.0 (giai đoạn đầu sản xuất xe xăng là 1.0).

“Tôi mừng là VinFast đã đi vào các chi tiết quan trọng như động cơ điện, thân vỏ, giảm xóc, rồi cell pin, pack pin, hệ thống truyền động, điều hoà, phần mềm điều khiển thể hiện sự know how trong xe điện… tổng hoà tạo ra xe VinFast với tỷ lệ nội địa hoá cao”.

Với vai trò là nhà cung ứng cho VinFast, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch công ty CNCVina cho biết CNC đã đồng hành cùng VinFast từ năm 2017 với nhiều công đoạn trong sản xuất xe máy, ô tô, động cơ. “Thời gian qua là trải nghiệm thú vị vì VinFast có tốc độ làm việc và cách phát triển thần kỳ. Trong quá trình đó, CNC học được nhiều thứ. Chúng tôi đồng hành và chính VinFast đã chia sẻ động lực đó cho chúng tôi”.

Trong buổi toạ đàm, các diễn giả cũng đồng tình với nhận định ngành công nghiệp phụ trợ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhưng lĩnh vực này vẫn gặp nhiều thách thức lớn giai đoạn hiện tại.

Thứ nhất là quy mô nhỏ lẻ khi phần lớn doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu đầu tư về công nghệ và năng lực sản xuất. Thứ 2, quy mô nhỏ lẻ và thứ 3 là thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng.

Do đó, mục tiêu VinFast đặt ra là không chỉ sản xuất xe mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hoá và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại