“Nỗi niềm” của THACO về nội địa hóa sản phẩm
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có đề xuất về việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô với 2 dòng xe dưới 9 chỗ từ 2.000cc trở xuống và xe tải dưới 5 tấn về 0%. Đây được xem là một trong những yếu tố tích cực thúc đẩy việc Việt Nam có thể xuất khẩu ô tô trong tương tương lai và bảo vệ thị trường ô tô trong nước.
Chính sách này từng được đại diện THACO kiến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017, trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc ở khối ASEAN sẽ giảm về 0% từ ngày 1/1/2018.
Cần nhắc lại rằng, cũng như Vinaxuki, THACO cũng là doanh nghiệp “đầu đàn” hướng đến mục tiêu nội địa hóa dòng sản phẩm ô tô. Tuy nhiên, việc lựa chọn “hướng đi” giữa 2 doanh nghiệp này đã cho thấy những số phận rất khác nhau.
Ở thời kỳ “vàng son”, Vinaxuki đã rất thành công với mô hình sản xuất và kinh doanh xe tải mà đáng chú ý nhất là dòng xe tải hạng nhẹ. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của Vinaxuki đạt khoảng 30% nhờ đó Công ty những lợi thế về giá cả cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Với những kinh nghiệm và thành công ở dòng xe tải, Vinaxuki sau đó quyết định “nhảy” vào thị trường xe du lịch.
Tuy nhiên, điều này lại đẩy Công ty đến bờ vực khốn cùng, nguyên nhân dẫn được đưa ra rất nhiều trong đó có thể kể tới như việc không đủ tiềm lực tài chính, quá “nóng vội” với việc áp dụng mô hình xe tải vào xe con…
Khác với Vinaxuki, THACO gia nhập cuộc chơi với tâm lý thận trọng hơn và các bước chậm rãi hơn.
Doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương, mặc dù chung mục tiêu nội địa hóa, nhưng lại nhận thấy rõ được những trở ngại đối với sản phẩm xe con, từ đó Thaco từng bước thực hiện đối với sản phẩm xe thương mại (xe tải, xe khách) là những sản phẩm theo chiến lược quy hoạch công nghiệp phát triển ô tô Việt Nam thời điểm đó.
Trong thời gian qua, với dòng xe du lịch, Thaco hiện lắp ráp và phân phối 3 dòng xe cùng 3 đối tác nước ngoài là Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp. Trong đó, THACO hợp tác với tập đoàn Kia Motors (Hàn Quốc) sản xuất dòng xe dòng xe du lịch Kia.
Với dòng xe Mazda, THACO kết hợp với đối tác Nhật Bản tham gia hỗ trợ lắp đặt, hợp đồng sử dụng chung các dây chuyền công nghệ quan trọng có chi phí đầu tư lớn; đồng thời hỗ trợ trong vận chuyển nguyên liệu, giao nhận thành phẩm tại Chu Lai tại nhà máy Vina Mazda.
Bên cạnh đó, THACO và Công ty PEUGEOT (Pháp) cũng ký kết “Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất xe PEUGEOT CKD model đầu tiên vào cuối năm 2013 và thêm một model khác nữa vào năm 2014” và “Hợp đồng hợp tác phân phối độc quyền xe du lịch PEUGEOT tại Việt Nam.
Có thể thấy, những bước đi của THACO vẫn rất “thận trọng” với việc sản xuất “tự chủ” dòng xe du lịch.
Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe du lịch THACO đạt 32,73%, tăng nhẹ so với năm 2014 (32,49%) và tăng mạnh so với thời điểm 2013 (23,9%). Trong đó, dòng xe Kia hướng đến mục tiêu nội địa hóa cao nhất.
VIC- Vinfast gia nhập cuộc chơi, liệu có một “cuộc đua” thương hiệu Việt và ai sẽ nhanh chân hơn?
Với việc thuế nhập khẩu linh kiện được giảm xuống 0% được thông qua, có thể sẽ tạo một “cú hích” lớn cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Tuy nhiên, để có thể được hưởng mức thuế này, doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước phải đáp ứng tối thiểu giá trị hàm lượng sản xuất trong nước tăng dần và đạt 40% vào năm 2022. Đồng thời, doanh nghiệp còn phải đạt tỉ lệ tăng trưởng sản xuất, lắp ráp đối với 2 loại xe từ 16-18%/ năm.
Những điểu kiện trên, sẽ không quá là khó đối với một doanh nghiệp như THACO.
Năm 2016, doanh số của THACO đạt 110.548 xe (bao gồm 63.456 xe du lịch, 47.092 xe thương mại), tăng 37% so với năm 2015, chiếm 41,5% thị phần trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đứng đầu cả nước với 32% thị phần ô tô toàn thị trường.
Điều này khiến không ít người kỳ vọng vào doanh nghiệp ô tô hàng đầu Việt Nam này.
Khác với THACO, VIC với thương hiệu VinFast lần đầu ra mắt thị trường ô tô khi đã có tiếng tăm trên nhiều “mặt trận” – bất động sản, y tế, tiêu dùng…
Sự xuất hiện của VIC như một “con ngựa ô” tạo nên sức hút kỳ lạ và có thể sẽ thay đổi cục diện toàn bộ vị thế trên đấu trường.
Ngay khi thông báo “đặt chân” vào thị trường, những bước chuẩn bị của VIC là rất rõ ràng và cẩn thận cả về nguồn vốn lẫn chuỗi giá trị cung ứng, hệ thống quản trị, nghiên cứu phát triển… Tất cả cho thấy tham vọng của VIC trong ngành sản xuất ô tô, xe máy mang thương hiệu Việt.
VinFast đặt mục tiêu sản xuất ra sẽ có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 60% với tiêu chuẩn khí thải châu Âu 5.0 và 6.0. Sau 24 tháng, VinFast dự kiến sẽ xuất xưởng một mẫu Sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ mang thương hiệu của riêng mình.
Đồng thời, mục đích của Vinfast hướng tới không phải là các dòng xe chạy xăng mà là dòng xe chạy điện - một ngách mới trong thị trường xe máy ô tô Việt Nam, trước mắt trong 12 tháng tới là xe máy chạy điện và mục tiêu 3 năm sẽ là sản phẩm ô tô chạy điện.Mục tiêu của nhà máy ở Hải Phòng của Vinfast là chạm tới mốc công suất thiết kế 500.000 xe/năm.
Vì sao Vingroup tự tin gia nhập thị trường
Năm 2016 số lượng xe bán ra trên cả nước theo số liệu thống kê của VAMA là gần 272.000 xe, tăng 30% cùng kỳ năm trước, 7 tháng đầu năm 2017, sản lượng xe bán ra đạt hơn 144.000 xe, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính bình quân tăng trưởng ô tô tại Việt Nam là 15%/năm thì trong 2 năm tới số lượng ô tô tiêu thụ khoảng hơn 400.000 xe, nếu Vinfast kỳ vọng đạt công suất 100.000 - 200.000 xe/năm trong giai đoạn 1 tức là cứ 2 người dân Việt Nam đi xe ô tô sẽ có 1 người mua xe Vinfast.
Còn tương lai sẽ ra sao?
Trong một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương trình lên Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về thực hiện chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam. Bộ Công Thương nhận định đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.
Bộ Công thương dự báo tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe. Theo tính toán, đến năm 2020, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 450 đến 500 nghìn xe.
Dự báo, nhu cầu ô tô của Việt Nam năm 2025 theo phương án trung bình đạt khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe.
Vì vậy, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì toàn bộ thị trường xe con sẽ là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, còn 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%. Kịch bản này xảy ra, kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.
Các con số dự báo này có lẽ đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Phạm Nhật Vượng trong lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam.