Sau khi chính thức ''dàn quân'' tại Hà Nội ngày 14/4, những chiếc taxi điện Xanh SM của Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh (GSM) cũng bất ngờ có mặt tại TP.HCM, dù công ty xác định chưa ra mắt tại địa bàn phía Nam.
Hình ảnh taxi điện Xanh SM với biển số TP.HCM xuất hiện ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) được lan truyền nhanh chóng trên các hội nhóm tài xế xe công nghệ. Được biết, đây là những chiếc taxi điện được GSM chạy thử nghiệm trước khi chính thức ra mắt tại TP.HCM vào cuối tháng 4/2023.
Trước đó, GSM cũng đã tổ chức tuyển dụng tài xế tại TP. HCM. Nhiều tài xế bày tỏ háo hức chờ taxi điện Xanh SM hoạt động tại TP.HCM, bởi thị trường gọi xe taxi tại TP.HCM đang rất lớn.
Màn nhập cuộc thị trường xe taxi phía Nam của GSM sẽ không chỉ trở thành đối thủ của các hãng xe công nghệ, mà ngay cả sự tồn tại của những hãng taxi truyền thống - đang vùng dậy sau quãng thời gian tưởng như hụt hơi cũng có thể tạo ra một cuộc cạnh tranh. Trong số này, Vinasun đang là một trong những cái tên "sáng giá" với cú bứt phá ấn tượng.
Sau khi liên tiếp thua lỗ đến hơn 200 tỷ, xấp xỉ 300 tỷ trong hai năm 2020 và 2021, Vinasun đã bật tăng trở lại với mức lãi 185 tỷ đồng năm 2022, gấp gần 8 lần kế hoạch, doanh thu thuần đạt 1.089 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm ngoái.
Với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2023, Vinasun dự kiến tổng doanh thu và thu nhập khác tăng lên 1.377 tỷ đồng (tăng 23%) và lợi nhuận sau thuế tăng lên 209 tỷ đồng (tăng 13%). Riêng doanh thu từ hoạt động kinh doanh taxi khoảng 1.345 tỷ đồng.
Không chỉ thế, sau 5 năm liên tục cắt giảm, 2022 cũng là lần đầu tiên Vinasun tuyển thêm người. Kết thúc năm 2022 vừa qua hãng taxi này có 2.013 nhân viên, tăng 136 người so với thời điểm cuối năm 2021.
Trước đó, lượng nhân viên của Vinasun từng đạt đỉnh vào năm 2016 với 17.160 nhân viên. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2017, số lượng nhân viên tại công ty này đã giảm hơn 10.000 người, kỷ lục với một doanh nghiệp Việt Nam. Các năm sau đó, mỗi năm Vinasun giảm tiếp 1.000-2.000 nhân sự, để đến năm 2021 cả công ty chỉ còn 1.877 người.
Một chỉ báo cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của Vinasun nữa phải kể đến lượng đặt app năm qua đã tăng trưởng đột biến, từ bình quân 2.691 lượt/ngày lên 17.022 lượt/ngày. Tương đương, mỗi phút Vinasun có khoảng 12 lượt đặt qua ứng dụng.
Trước đà này, Vinasun dự kiến tăng lên 25.000 lượt/ngày trong năm nay, và sẽ phát triển nhiều chức năng hơn nữa trên app.
Năm 2022, công ty mẹ Vinasun đã đầu tư thêm 550 xe và thanh lý 79 xe, nâng tổng số xe lên 2.431. Công ty dự kiến sẽ đầu tư khoảng 700 xe trong năm nay. Dự kiến, đến cuối năm 2023 Vinasun sẽ có 630 xe hợp tác kinh doanh và tổng số xe hoạt động là 3.500 chiếc.
Nhìn chung, không chỉ có Vinasun, mà các chuyên gia trong ngành đánh giá, taxi truyền thống đang dần lấy lại vị thế sau một thời gian dài thị trường phần lớn về tay taxi công nghệ.
Vấn đề giá cước là một trong những nhân tố khiến cục diện xoay chuyển. Trong khi cùng cung đường, taxi công nghệ mỗi lần đặt xe hiển thị một giá, chưa kể còn thu thêm nhiều loại phụ phí, giá đội lên cao mỗi dịp lễ Tết, thời tiết xấu... thì giá taxi truyền thống được cho là niêm yết rõ ràng, ổn định theo km.
Thêm vào đó, độ phủ của taxi công nghệ dù nhanh chóng đến đâu cũng không thể đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường, nhất là ở các thành phố lớn. Đơn cử trong giờ cao điểm, việc đặt xe công nghệ là vô cùng khó và gọi taxi truyền thống lại trở nên dễ hơn hẳn.
Một thực tế nữa là chính sách dành cho tài xế lẫn khách hàng của các hãng xe công nghệ đã không còn hấp dẫn như trước, khi mà các hãng bắt đầu tính đến bài toán lợi nhuận sau thời gian "đốt tiền" để tăng thị phần. Vì thế, nhiều tài xế bày tỏ họ không còn muốn làm khi mức chiết khấu cho hãng cao hơn, đành tắt app và quay về với taxi truyền thống. Về phía khách hàng, không ít người cũng đã trở về với lựa chọn truyền thống khi taxi công nghệ không còn những ưu đãi.