Với thị phần lớn, CTCP Ánh Dương với thương hiệu taxi Vinasun vẫn không tránh khỏi kinh doanh thua lỗ trong 2 năm ngành kinh doanh vận tải chịu tác động nặng nề từ dịch Covid.
Tổng hợp từ BCTCDN
Bước sang năm 2022, hoạt động của Vinasun tiếp tục chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan: xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine kéo dài khiến giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng cao, dịch COVID-19 diễn biến khó lường khiến người dân hạn chế di chuyển ra ngoài, tâm lý thắt chặt chi tiêu làm cho sức mua của người tiêu dùng tiếp tục giữ ở mức thấp.
Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh trạnh xuất hiện ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính mạnh mẽ khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng khốc liệt, điều này đã tác động đến hiệu quả kinh doanh của Vinasun về cả doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinasun đã khởi sắc trở lại với 4 quý có lãi liên tục trong năm 2022.
Nguồn: Vinasun
Nhìn vào kết quả kinh doanh trong năm 2022, có thể thấy một số điểm nổi bật đã đưa Vinasun có lãi trở lại đến từ việc tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng biên lợi nhuận gộp.
Tăng trưởng doanh thu 125% so với năm 2021 : Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần Vinasun đạt 1.089 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021. Nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ vận tải taxi (80%); còn lại từ vận tải hành khách (17%) và dịch vụ khác.
Để đạt được mức tăng trưởng doanh thu tích cực, xét về yếu tố thị trường, khách hàng đã quay trở lại với taxi truyền thống khi họ có thể gọi xe nhanh (thậm chí nhanh hơn taxi công nghệ), giá cước chấp nhận được và không bị tăng cao trong những khung giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, các hãng taxi công nghệ như Vinasun cũng chú trọng đầu tư chất lượng app dịch vụ để việc gọi xe của khách hàng được thuận tiện hơn. Vinasun cho biết, năm qua công ty đã hoàn thiện đầy đủ các chức năng trả trước, trả ngay trên Vinasun App (VNS Prepaid), tạo thuận tiện cho khách hàng trong việc đặt xe và thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhờ đó, lượng đặt app năm qua đã tăng trưởng đột biến, từ bình quân 2.691 lượt/ngày lên 17.022 lượt/ngày, tương đương trung bình mỗi phút Vinasun có gần 12 lượt đặt app.
Biên lợi nhuận gộp tăng cao gần gấp đôi giai đoạn trước năm 2017: Năm 2022, biên lợi nhuận gộp của Vinasun tăng vọt lên mức 27%, trong khi năm 2021 là âm 27,17%.
Biên lợi nhuận này khi so sánh với giai đoạn thuận lợi trong quá khứ thì cũng cao gần gấp đôi khoảng thời gian trước năm 2017.
Tỷ lệ GVHB/DTT giảm từ 127% năm 2021 xuống còn 72,78% trong năm 2022
Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Theo đó giá vốn bao gồm giá vốn từ vận tải hành khách bằng taxi, nhượng quyền và hợp tác để cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi.
Bằng cách tăng tỷ lệ các hợp đồng kinh doanh thương quyền và giảm số lượng xe đầu tư dẫn đến giảm chi phí khấu hao và chi phí nhân viên đã giúp Vinasun cải thiện mạnh biên lợi nhuận gộp.
Kiểm soát tốt chi phí bán hàng, quản lý DN và chi phí tài chính
Hai khoản mục chi phí chính yếu còn lại là Chi phí bán hàng và Chi phí quản lý doanh nghiệp được ghi nhận ở mức 61 tỷ đồng và 88 tỷ đồng.
Tỷ lệ Chi phí bán hàng/ Doanh thu thuần và Chi phí Quản lý doanh nghiệp/ Doanh thu thuần được kiểm soát tốt ở mức tương ứng 5,6% và 8%, giảm lần lượt so với mức năm 2021 là 13% và 13% và cải thiện mạnh mẽ so với các năm trước đó.
Vinasun đã triển công tác quản trị chi phí chặt chẽ với nhiều chương trình tiết kiệm chi phí ở tất cả các phòng ban, chi nhánh; đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả cao trong giai đoạn có nhiều biến động
Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế Vinasun năm 2022 là 185 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ 277 tỷ và gấp 6,8 lần kế hoạch lợi nhuận.