Thông tin Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố, có 101/150 mẫu nước mắm đóng chai ở 88 nhãn hiệu, bằng 67,3% số mẫu có chứa Arsen tổng (thạch tín) từ 1 mg/L- 5mg/L vượt quá ngưỡng cho phép của VN là 1mg/L đang khiến dư luận hoang mang, lo lắng.
Đồng thời, không ít ý kiến cho rằng, việc công bố như vậy là "không chuẩn mực", "không có trách nhiệm" và Arsen chứa trong nước mắm cũng như chứa trong các loại hải sản hầu hết là arsen hữu cơ, không gây độc...
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, chưa nhận được ý kiến chính thức nào về thông tin công bố nước mắm kể trên được gửi đến Hội.
Với các ý kiến của một số chuyên gia, nhà sản xuất nước mắm được báo chí đăng tải, phản hồi lại thông tin của Hội đưa ra, ông Tuấn cho rằng:
"Việc làm của Hội là khách quan, trung thực. Việc kiểm nghiệm chúng tôi thực hiện trong các phòng kiểm được công nhận và chỉ định của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có gì mà không đúng.
Họ nói không đúng ở điểm gì? Bản thân khi công bố Hội cũng đã nêu rõ vấn đề này trong báo cáo và báo cáo đó còn được gửi chính thức đến các cơ quan khác nhau, kể cả Văn phòng Chính phủ".
Ông Tuấn cũng cho hay, khi có kết quả kiểm nghiệm 101/150 mẫu cho thấy có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định theo quy chuẩn của Bộ Y tế (quy chuẩn là là 1mg/L) thì Hội đã "rất trách nhiệm" khi tiếp tục kiểm nghiệm xem trong arsen tổng đó có arsen vô cơ hay không.
"Vì arsen tổng gồm hai loại là arsen hữu cơ không gây độc hại và arsen vô cơ rất độc hại nên Hội đã tiếp tục lấy các mẫu đó đi xác định hàm lượng arsen vô cơ tại hai phòng thử nghiệm.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy là rất may đều không phát hiện arsen vô cơ. Như thế thì có trách nhiệm hay không có trách nhiệm?", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng khẳng định, Hội cũng không hề nói, công bố là dùng arsen để phân biệt nước mắm thật hay giả và việc công bố thông tin này cũng không liên quan đến nước mắm truyền thống hay không truyền thống, nước mắm công nghiệp...
"Ở đây, chúng tôi nói tất cả các loại nước mắm mà có hàm lượng đạm theo quy định là 10g/l trở lên.
Còn có những thông tin họ tự diễn biến, bóp méo rồi còn đưa thông tin là Hội đưa danh sách, tên doanh nghiệp này, thương hiệu nước mắm kia. Hội không đưa việc này còn họ lấy ở đâu ra, đưa tin như nào thì chúng tôi không biết", ông Tuấn cho biết thêm.
Trước một số thông tin cho rằng, có doanh nghiệp đứng sau việc công bố này của Hội, Phó Tổng thư ký Vinastas đã bác bỏ.
"Tôi khẳng định không có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm nào đứng đằng sau việc làm của Hội. Chúng tôi hoàn toàn độc lập, công khai, minh bạch", ông Tuấn nhấn mạnh.
Mặc dù trả lời báo Trí Thức Trẻ, ông Tuấn cho rằng, không có doanh nghiệp nào đứng sau nhưng trả lời trên một số báo khác, ông Tuấn lại thừa nhận có "đơn vị tài trợ" cho cuộc khảo sát kéo bắt đầu từ tháng 8. Tuy nhiên theo ông "không thể tiết lộ danh tính" đơn vị này.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, từ 12/10, đoàn thanh tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP HCM.
Sắp tới sẽ mở rộng tới một số địa phương khác có truyền thống sản xuất nước mắm như Phú Quốc (Kiên Giang)...
Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.
Ông Phong khẳng định ở Việt Nam không có khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy nhiên, nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố.
"Quan điểm của chúng tôi là việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng phải đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, việc thanh kiểm tra cũng cần đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/10", ông Phong nói.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, cung cấp 2 triệu lít/năm. Tuy nhiên theo ông Phong, tất cả nguyên liệu đầu vào hiện đang do Bộ NN-PTNT kiểm soát.
Theo ông Phong, tiêu chuẩn VN 2003 do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành và thế giới cũng không quy định một sản phẩm thực phẩm nói chung, nước mắm nói riêng có tối đa bao nhiêu phụ gia thực phẩm, mà chỉ giới hạn về hàm lượng.
Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cũng cho hay, đã giao lực lượng thanh tra các địa phương rà soát và lấy mẫu nước mắm làm cơ sở cho việc thanh tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như mặt hàng nước mắm trên toàn quốc vào năm 2017.
Đây sẽ là đợt thanh tra lớn nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm nước mắm sau những lo ngại của dư luận đối với chất lượng của mặt hàng này.