Viettel hiện nay đang mở rộng thị trường ra toàn thế giới với tổng giá trị lên tới 1,22 tỷ USD. Tổng công ty cũng đang quan tâm đến thị trường Triều Tiên và Cuba. Viettel đang tìm cách đầu tư vào Triều Tiên, khi chứng kiến sự thành công của Koryolink - một liên doanh giữa Bắc Triều Tiên và Ai Cập Orascom Investment Holdings - đã thu hút hàng triệu thuê bao kể từ khi ra mắt năm 2008.
"Viettel đã xin được cấp phép tại Bắc Triều Tiên để xây dựng một mạng di động vào năm 2010", ông Lê Đăng Dũng nói, "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Triều Tiên sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
"Sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Myanmar là rất hiếm có trong ngành viễn thông", ông Dũng nói "Chúng tôi vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển."
Tại Myanmar, Viettel và các đối tác địa phương đã cho ra mắt mạng 4G trị giá 1,5 tỷ USD vào tháng 6 năm ngoái. Quốc gia này đã nổi lên như một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho công ty trong khu vực Đông Nam Á.
Mạng Mytel (tên của Viettel tại Myanmar), do Myanmar National Holding Public Ltd và Star High Public Co Ltd hợp tác phát triển, tính đến nay đã sở hữu khoảng năm triệu thuê bao. Ông Dũng dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng người dùng vào cuối năm nay.
"Viettel cũng đang trong tiến trình đàm phán để thâu tóm các công ty viễn thông ở Malaysia và Indonesia. Viettel sẽ là nhà mạng đầu tiên phát triển mạng 5G tại Việt Nam" ông Dũng cho biết, với dự đoán về sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ dữ liệu.
Ông cho biết Viettel đã đầu tư 40 triệu đô la cho việc phát triển chip 5G, tuy nhiên cũng cân nhắc việc sử dụng công nghệ từ Ericsson và Nokia.
Viettel hiện nay có khoảng 60 triệu thuê bao tại Việt Nam và hơn 30 triệu người dùng trên 10 quốc gia khác - chủ yếu ở châu Á và châu Phi.
Ông Dũng cũng bật mí rằng Viettel đang đàm phán để mua lại 20% cổ phần của một nhà mạng di động châu Âu, và Viettel dự kiến ngừng mở rộng đầu tư vào thị trường châu Phi vì phải vật lộn để kiếm lợi nhuận do đây là khu vực tăng trưởng kém.