Hôm 27/3, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Công an Ninh Bình xác minh, làm rõ nguồn gốc lô hàng thiết bị viễn thông của Viettel. Nếu lô hàng có nguồn gốc hợp pháp thì báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý lên Thủ tướng trước 1/5/2018.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã xử phạt Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel) 90 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng do không có giấy tờ.
Lô hàng nghi nhập lậu bao gồm 83.000 chiếc đầu nối Fast Connecter, 200 chiếc điện thoại di động Viettel V6216, 120 chiếc USB Wifi 4G và 10 bộ phát Wifi TP-Link W8151N.
Cụ thể, ngày 7/6/2017, ôtô của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) chở lô hàng nói trên của Viettel Telecom qua địa phận Ninh Bình và bị Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Ninh Bình kiểm tra hành chính.
Tại thời điểm đó, lái xe của Viettel Post chỉ xuất trình được phiếu xuất kho và biên bản bàn giao hàng hóa, không mang theo phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và lệnh điều động chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, theo quy định của Thông tư 64 về chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
Nói về sự việc trên, Viettel Telecom cho biết đã bổ sung đầy đủ giấy tờ cần thiết ngay vào ngày hôm sau, tức ngày 8/6/2017, nhưng UBND tỉnh Binh Bình vẫn ra quyết định xử phạt bởi "tại thời điểm kiểm tra, đơn vị vận chuyển chưa cung cấp phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ".
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, Thông tư 64 quy định: "Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn".
Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ, Viettel Telecom đã liên hệ được với Công an tỉnh Ninh Bình và xuất trình được giấy tờ chứng minh lô hàng của Viettel Telecom có nguồn gốc rõ ràng.
Việc xuất trình chậm hoá đơn, chứng từ không có nghĩa là không có hoá đơn, chứng từ và cũng không phải là hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp, do vậy không thuộc dấu hiệu nhận diện của khái niệm "hàng hoá nhập lậu" đã được Nghị định số 185 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật sư này cũng cho rằng, hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ và hàng hoá có hoá đơn chứng từ nhập khẩu hợp pháp nhưng xuất trình muộn (vì lý do nào đó) là hoàn toàn khác nhau. Việc đánh đồng hai khái niệm này đều là "hàng nhập lậu" là sai về bản chất pháp lý.
Theo đó, Nghị định 185 không giao cho Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết về "hàng hoá nhập lậu", do vậy theo Thông tư 64 không được mở rộng, giải thích, bổ sung cách hiểu khác đối với khái niệm "hàng hoá nhập lậu" đã được Nghị định 185 quy định.
Cụ thể, Thông tư 64 cũng quy định: "Thông tư này quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu hoặc tại địa điểm khác (gọi chung là hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường); hướng dẫn xử lý vi phạm quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan".
"Thông tư 64 chỉ được quy định chi tiết các vấn đề liên quan đến hoá đơn, chứng từ và nếu cá nhân, tổ chức có vi phạm trong việc cung cấp hoá đơn, chứng từ (trong đó có vi phạm về cung cấp chậm thời gian theo quy định) thì sẽ chịu những chế tài hành chính cụ thể như phạt tiền, tạm giữ hàng…
Việc Thông tư 64 tự quy định không cung cấp hoá đơn, chứng từ đúng thời hạn cũng được coi là hàng hoá nhập lậu là trái với Nghị định 185 và vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", bà Nga nói.
Luật sư Nga cũng cho biết, thời gian qua, hiện tượng doanh nghiệp bị phạt tiền và tịch thu hàng hoá trong việc không cung cấp kịp thời hoá đơn, chứng từ là khá phổ biến.