1. Gặp U22 Brunei, Lào và Campuchia, các học trò của HLV Park Hang-seo đều thắng tưng bừng, ghi đến 16 bàn và chỉ để thủng lưới duy nhất một lần. Cả ba trận đấu ấy, U22 Việt Nam đều nhập cuộc cực kỳ tưng bừng, ghi bàn thắng sớm và giải quyết đối phương "chỉ trong một nốt nhạc".
Ba đối thủ còn lại, bao gồm U23 Indonesia, Singapore và Thái Lan, người hâm mộ nước nhà đều phải nếm trải cái cảm giác "đau thắt tim", thậm chí đôi khi là cảm giác thất vọng bởi thầy trò HLV Park Hang-seo không những nhập cuộc không tốt ở tất cả những trận đấu ấy, mà thậm chí còn bị dẫn bàn trước ở cả 2 trận gặp Indonesia và Thái Lan, thậm chí trước Thái Lan, họ bị dẫn đến 2 bàn khi trận đấu vừa trôi qua được có 11 phút.
Ở 2 trận đấu ấy, thầy Park đều cho các học trò của mình nhập cuộc thận trọng. Kết quả là U22 Việt Nam "ăn đòn" ngay khi còn chưa "nóng máy", từ những sai lầm của hàng thủ, đặc biệt là thủ môn, cả Bùi Tiến Dũng lẫn Văn Toản. Trận đấu còn lại với U22 Singapore - đối thủ được đánh giá yếu hơn nhiều so với Indonesia hay Thái Lan, cũng vì nhập cuộc chậm mà U22 Việt Nam có trận đấu cực kỳ vất vả, thậm chí là đáng chán nhất dưới thời HLV Park Hang-seo.
SEA Games là đấu trường khắc nghiệt, đúng như ông Park từng đánh giá. Không chỉ từ mặt sân cỏ nhân tạo, không chỉ từ lịch thi đấu "hai ngày một trận", mà còn đến từ các đối thủ nhiều duyên nợ và đã quá hiểu nhau. Và cũng vì luôn phải đá với vị thế "cửa trên", nên HLV Park Hang-seo thường xuyên phải "xoay bài" trước các đối thủ khác nhau.
Ba lần trước các đối thủ mạnh, thầy trò HLV Park Hang-seo đều gặp khó. Nhưng cả ba lần ấy, rốt cuộc họ đều có được thứ mình cần - 2 chiến thắng và 1 trận hòa giúp U22 Việt Nam đoạt ngôi đầu bảng đầy thuyết phục. Khả năng điều chỉnh trận đấu đã giúp thầy Park "lội ngược dòng" ngoạn mục, và khả năng đáp ứng chiến thuật của các học trò đã giúp nhà cầm quân người Hàn Quốc "sửa sai" trước những đối thủ "khó nhằn".
2. Đường tới kỳ tích lịch sử của bóng đá Việt Nam ở đấu trường SEA Games sau nhiều chục năm chờ đợi, cũng như 10 năm mỏi mòn đợi chờ trận chung kết - chỉ có còn 1 trận đấu nữa. Và ở trận đấu ấy, U22 Việt Nam của thầy Park không được phép "sẩy chân" thêm lần nữa, bởi đối thủ của họ là Indonesia - đội bóng vừa có thực lực, vừa chưa thể nuốt cạn được "trái đắng" ở vòng bảng khi để thầy trò HLV Park Hang-seo thắng ngược đúng vào những giây cuối cùng của trận đấu.
Trận đấu trước, ông Park định gây ngạc nhiên cho đối thủ bằng cách ép sân từ từ U22 Indonesia, buộc họ phải chọn con đường tấn công mà thầy trò ông Park đã vạch ra cho họ - đưa bóng ra biên. Rốt cuộc pha bóng ngớ ngẩn của thủ thành Bùi Tiến Dũng đã đặt các đồng đội vào thế khó, và "kế hoạch A" của thầy Park phá sản.
Giải đấu này, hàng thủ U22 Việt Nam luôn biết cách "vỡ" trước các đối thủ mạnh. Trong khi đó, ở hàng tiền vệ với sự góp mặt Trọng Hoàng và Hùng Dũng đang là tuyến mạnh nhất của đội bóng. Ở phía trên, cả Tiến Linh lẫn Hà Đức Chinh đều có phong độ cực tốt, phối hợp tạo nên "khẩu súng hai nòng" đầy lợi hại.
Tất cả những điều ấy đều dẫn đến con đường duy nhất để thắng Indonesia: phải nhập cuộc hưng phấn, tấn công phủ đầu đối phương ngay từ đầu. Chỉ cần tìm được nhịp độ tấn công của mình, hàng công của U22 Việt Nam sẽ đá cực "phiêu", và từ đó, bàn thắng có thể đến bất kỳ lúc nào, từ bất kỳ vị trí nào, như cái cách mà ĐTQG Việt Nam từng chơi ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trước Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cả UAE.
Tấn công cũng là con đường duy nhất đem đến sự tự tin cho các học trò của HLV Park Hang-seo. Trước thời khắc lịch sử, tâm lý của các cầu thủ là cực kỳ quan trọng. Rất có thể nó sẽ là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt cho một trận chung kết như thế này.
Hơn 21 năm trước, đội tuyển Việt Nam đã sẩy chân tại Hàng Đẫy trong trận chung kết mà họ dồn ép Singapore đến nghẹt thở mà không ghi được bàn. Hơn 10 năm trước, kịch bản ấy thêm lần lặp lại trước Malaysia, ở trận chung kết SEA Games gần nhất của bóng đá Việt Nam. Lần này, phải tìm mành lưới Indonesia sớm thôi, các chiến binh Rồng vàng ạ!