Nội địa hóa, tự chủ sản xuất nhiều loại vũ khí
Trong hơn 10 năm trở lại đây, chúng ta liên tục nội địa hoá thành công các loại vũ khí ngày càng hiện đại trên khuôn mẫu các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có nguồn gốc từ Liên Xô và Nga. Đó là những bước đi cần thiết để có thể tự chủ được hoả lực sẵn sàng chiến đấu nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài nhiều rủi ro và giá thành cao.
Các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin rằng ta tự chủ được vũ khí tương đối hiện đại với tính năng cao và giá thành vừa phải. Nhờ thế, chúng ta đã tiết kiệm ngân sách ngày một nhiều và đa dạng hóa trang bị với số lượng lớn một cách dễ dàng hơn.
Trên cơ sở lý luận đó, ắt hẳn vũ khí do Việt Nam chế tạo có tính năng tương đương hàng ngoại nhập và giá thành thấp hơn nhiều phải là mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh tốt trên thị trường vũ khí thế giới. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần phải tính tới việc "tìm đầu ra" cho vũ khí "Made in Vietnam".
Các sản phẩm súng bộ binh do Việt Nam sản xuất.
Hơn thế nữa, có thể khẳng định xuất khẩu vũ khí là cách duy trì tốt nhất lực lượng kỹ thuật và dây chuyền máy móc thiết bị để liên tục cải tiến nhằm tái sản xuất phục vụ mục đích bảo vệ tổ quốc.
Bức tranh chung của tiến trình tự chủ vũ khí trang bị của Việt Nam là đi lên từ vũ khí bộ binh công nghệ thấp. Đây là chuỗi sản phẩm lấp đầy nhu cầu trang bị số lượng lớn trong quân đội. Các sản phẩm của Việt Nam chủ yếu là các loại súng, đạn bộ binh, thiết bị thông tin, kính ngắm, quân trang… Đây là các trang bị gắn liền với người lính.
Vì thế nó phù hợp với mọi quân đội, nhất là các lực lượng quân sự quy mô nhỏ có bản sắc chiến đấu trang bị gọn nhẹ cơ động như Việt Nam.
Gần đây, chúng ta mới bắt đầu tiếp cận với các sản phẩm kỹ thuật cao hơn như đạn súng cối hẹn giờ, tên lửa có điều khiển, một số hệ thống radar tương đối tiên tiến…
Súng tiểu liên GALIL ACE do Việt Nam sản xuất theo chuyển giao công nghệ của Israel.
Việt Nam có thể xuất khẩu vũ khí đi đâu?
Hiện trên thế giới, các nước Tây Phi và Bắc Phi là những nước có tiềm năng xung đột lớn với các quân đội có quy mô nhỏ, trang bị lạc hậu với các vũ khí mang vác thuộc hệ Nga/Liên Xô có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng nhiều nhất vẫn là nguồn gốc từ Trung Quốc, Ai Cập và Iran.
Đây là khu vực thị trường mà chúng ta nên nhắm đến. Và nó cũng là điểm trung chuyển vũ khí đến các vùng xung đột chủ yếu khác.
Hiện nay, chúng ta đã làm chủ hoàn toàn việc sản xuất đạn pháo phản lực 122mm cho các hệ thống phóng loạt như BM-21 Grad. Nhu cầu về đạn cho các hệ thống gọn nhẹ như HM-27 hay RL-4 là rất lớn.
Các hệ thống này đều dùng chung đạn với BM-21 nên việc ta tìm cách xuất khẩu các loại đạn BM-21 sang thì trường này là rất khả thi. Họ cần các loại đạn tin cậy và giá thành thấp vì hạn chế kinh phí.
Súng và đạn AK-47 là nhu cầu cấp thiết tại khu vực Bắc Phi. Hầu như mọi người lính của tất cả các bên tham chiến đều dùng AK-47 hoặc các biến thể cải tiến của dòng súng tiểu liên được ưa chuộng nhất thế giới này.
Hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể xuất khầu sang thị trường này các sản phẩm của chúng ta như Trung Quốc đã và đang làm.
Súng phóng lựu và đạn các loại cũng là nhu cầu lớn tại khu vực này. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến Syria, những khẩu RPG-29 của phiến quân đặc biệt thích hợp cho chiến tranh đô thị để phá công sự, chống tăng trong đô thị. Nó là thủ phạm tiêu diệt những chiếc xe tăng hiện đại nhất của quân đội Syria.
Súng cối, một loại vũ khí mang vác hoả lực mạnh cũng rất được ưa chuộng tại chiến trường Bắc Phi do đặc tính cơ động, chính xác và kịp thời của loại hoả lực này.
Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại đạn mới cho súng chống tăng RPG-7 (B-41).
Súng chống tăng hạng nặng cũng là loại hoả lực được dùng trong đô thị phổ biến tại chiến trường châu Phi và Trung Đông do tính gọn nhẹ có thể lắp trên xe bán tải cơ động và hoả lực mạnh, chính xác.
Ngoài ra, các loại kính ngắm đêm, kính ngắm bắn tỉa và súng bắn tỉa, súng máy và đạn súng máy cũng rất phù hợp nhu cầu của các chiến binh tại đây
Ngoài thị trường Bắc Phi, Tây Phi và có thể cả Trung Đông, còn một thị trường chiến lược mà chúng ta nên nhắm đến là thị trường Mỹ và Nga.
Với thị trường Mỹ, đây là thị trường bộ phận bán tổng thành phụ tùng vũ khí với doanh số hàng năm hàng trăm tỷ USD. Các vũ khí Mỹ chủ yếu lắp ráp từ các linh kiện ngoại nhập có nguồn gốc khắp nơi trên thế giới. Nếu chúng ta quyết tâm đầu tư cho vũ khí công nghệ cao, chúng ta nên tìm cách thuyết phục các đối tượng khách hàng khó tính này.
Nếu chúng ta cho rằng chúng ta sản xuất hiệu quả thì chúng ta phải cạnh tranh sòng phẳng được với các đối thủ khác trên thế giới để chen chân vào thị trường khổng lồ này.
Súng chống tăng RPG-29 uy lực nhất thế giới đã được sản xuất tại Việt Nam.
Đây cũng không phải là việc quá khó khi chúng ta nhìn những nước đi trước như Hàn Quốc, Nam Phi hay thậm chí như Singapore hiện nay đều từng có lộ trình từng bước để tìm thị phần tại Mỹ.
Với thị trường Nga, chúng ta chứng kiến người Nga vất vả ra sao trong 3 năm qua khi nguồn cung phụ tùng linh kiện từ Ukraine và Đông Âu bị cắt.
Nếu chung ta biết tận dụng lợi thế trung gian giữa 2 khu vực này, thị trường linh kiện tại Nga cũng không hề nhỏ và cơ hội có được công nghệ sản xuất đỉnh cao của các nước Đông Âu cũng không quá xa vời.
Xuất khẩu vũ khí là phương cách tốt nhất duy trì sản xuất và lực lượng nhân sự kỹ thuật để phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng thay vì phải trông chờ ngân sách. Nếu chúng ta tự chủ sản xuất các sản phẩm quốc phòng hiệu quả, nhất định chúng ta sẽ xuất khẩu thành công và ngược lại.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Công nghiệp quốc phòng Việt Nam nâng cao chất lượng tàu pháo TT-400TP