Xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 năm nay ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm lên 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông - Trung Quốc bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động: Xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%.
Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc và Mỹ đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hồng Kông - Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì. Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng này, Trung Quốc và Hồng Kông - Trung Quốc có thể trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam vào cuối năm 2024.
Thủy sản có cán cân thương mại 10 tháng ở trạng thái thặng dư lên tới 6,21 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường tỷ USD và đây đều là những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Cụ thể, khu vực thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Thị trường châu Âu với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chiếm khoảng 10%. Thị trường Hàn Quốc với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chiếm khoảng 9%.
Triển vọng xuất khẩu tôm và cá tra
Theo VASEP, hiện nay tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi cá tra gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26% và 24%, vượt xa cá ngừ và mực bạch tuộc.
Mới đây, Việt Nam đón nhận tin vui khi Bộ Thương mại Mỹ công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 2,84%, thấp hơn so với mức 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên dưới 20 triệu USD tôm sang UAE. Tuy là thị trường nhỏ nhưng được coi là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm ngày một tăng và nhất là khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa mới được ký kết, mở thêm cơ hội cho xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Theo thống kê, sản lượng cá tra trên toàn cầu hiện đạt khoảng 4 triệu tấn, trong đó sản lượng cá tra của Việt Nam 9 tháng năm nay đạt 1,2 triệu tấn, dự báo cả năm đạt 1,67 triệu tấn.
Khảo sát của Rabobank và liên minh thủy sản toàn cầu cho thấy, sản lượng cá tra của Việt Nam dự kiến tăng vào năm 2025, đạt mức hơn 2 triệu tấn. Việt Nam được đánh giá là đang dẫn đầu thế giới về sản lượng cá tra và đang rất thành công ở thị trường Trung Quốc.
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp, đã mở ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc.
VASEP cho rằng, dù ngành tôm và cá tra đang trong mùa cao điểm nhập khẩu, nhưng vẫn phải đối mặt với khả năng thiếu nguyên liệu trong nước vào cuối năm, do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và năm mới. Các doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và các nguồn cung thay thế để tận dụng tối đa cơ hội trên thị ttrường. Ngành hải sản đang đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình thanh tra của Liên minh châu Âu về kiểm soát khai thác bất hợp pháp (IUU) vào tháng 11.