Theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA, EU cam kết mở cửa thị trường ô tô cho Việt Nam. Thuộc nhóm 87023, ô tô con đang hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) 10% sẽ giảm dần về 0% sau 7 năm. Việt Nam có lợi thế lớn khi xuất khẩu ô tô vào EU.
Thái Lan lo xa?
Theo cảnh báo từ Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại Thái Lan (TPSO), xuất khẩu ô tô, máy tính, linh kiện điện tử của nước này đứng trước nhiều rủi ro sau khi EVFTA được ký kết. Bà Pimchanok Vonkorpon, Tổng giám đốc TPSO, nhận định sẽ có nhiều nhà sản xuất ô tô chuyển cơ sở sang Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, việc các nhà sản xuất ô tô chuyển cơ sở từ Thái Lan sang Việt Nam để xuất khẩu vào EU không có nhiều triển vọng.
Trên thực tế, Thái Lan đang xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào EU, chủ yếu là những mẫu xe thuộc “Eco Car” - chương trình được Chính phủ Thái Lan thúc đẩy từ năm 2007 để sản xuất hàng loạt xe cỡ nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.
Một mẫu xe thuộc “Eco Car" đang xuất khẩu sang EU
Thái Lan và EU chưa có hiệp định thương mại tự do, vì vậy xuất khẩu ô tô Eco Car sang EU vẫn phải chịu thuế. Tuy nhiên, việc chuyển sản xuất sang Việt Nam để xuất khẩu những mẫu xe này vào EU hưởng thuế 0% gần như không khả thi.
Bởi, theo cam kết, ô tô từ Việt Nam xuất khẩu sang EU muốn được hưởng thuế 0% thì giá trị nguyên vật liệu không có xuất xứ không được vượt quá 45%.
Tức là, giá trị nguyên vật liệu có xuất xứ tại Việt Nam và EU phải chiếm từ 55% trở lên. Nguyên vật liệu mua tại Việt Nam, nếu không đủ, có thể mua từ EU hoặc từ các DN của EU đang đầu tư tại các nước khác.
Nếu các DN chuyển sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam thì những mẫu xe “Eco Car” sẽ khó đạt tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu nói trên. Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đến nay rất yếu kém. Bình quân tỷ lệ nội đạ hóa ô tô tại Việt Nam hiện chỉ 10-15%.
Muốn đạt tỷ lệ cao để xuất ô tô vào EU chỉ có 2 cách: Thứ nhất, phải lôi kéo thật nhiều nhà cung cấp linh kiện đầu tư vào Việt Nam và các linh kiện sản xuất ra cũng phải đạt giá trị nguyên vật liệu xuất xứ Việt Nam cộng với EU từ 55% trở lên. Điều này khó khả thi trong thời gian ngắn.
Thứ hai, tìm mua linh kiện tại Việt Nam, không đủ thì nhập khẩu từ EU hoặc các DN thuộc EU đang đầu tư sản xuất tại Thái Lan hay các nước khác về lắp ráp.
Nhưng dòng xe “Eco Car” chủ yếu là của các thương hiệu Nhật Bản và sử dụng những nguyên vật liệu, linh kiện có xuất xứ Nhật Bản, Thái Lan. Vì vậy, liệu có thay bằng linh kiện của EU được không và giá thành thế nào, lại là vấn đề phức tạp nữa.
Hơn nữa, các DN tham gia chương trình “Eco Car” tại Thái Lan chủ yếu là các hãng ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi, Suzuki,... đều đang có mặt tại Việt Nam. Họ chỉ chuyển sản xuất sang Việt Nam khi nhận thấy có lợi thế. Trong khi, công nghiệp ô tô Việt Nam kém phát triển vì vậy sẽ là một thách thức.
Ngoài ra, Thái Lan cũng đang muốn tái khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU (tạm dừng từ 2014). Nếu đàm phán thành công, sắp tới Thái Lan cũng có thể được EU mở cửa thị trường ô tô. Việc chuyển sản xuất sang Việt Nam để hưởng lợi, vì thế cũng chỉ diễn ra trong giai đoạn ngắn.
“Sẽ chẳng có cơ sở sản xuất ô tô nào từ Thái Lan chuyển sang Việt Nam để hưởng thuế ưu đãi xuất ô tô vào EU cả, bởi khi đó lợi thế của ô tô Thái Lan không còn. Vì vậy, sẽ phải cân nhắc kỹ về tính khả thi và hiệu quả.
Có chăng chỉ là các DN sản xuất linh kiện, nhưng linh kiện nào thì nhà đầu tư cũng phải xem xét cẩn thận”, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng nói.
Chỉ khi nào ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phát triển mạnh lúc đó mới bàn đến chuyện ô tô nguyên chiếc xuất khẩu sang EU
Cơ hội ô tô Việt vào EU?
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, Việt Nam gần như không có cơ hội xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào EU.
Về nguyên tắc, chúng ta có thể nhập linh kiện ô tô từ EU hoặc mua từ các DN thuộc EU đầu tư ở các nước khác và mua của nhà sản xuất tại Việt Nam, lắp thành xe. Cứ đảm bảo nguyên vật liệu có xuất xứ Việt Nam và EU đạt tỷ lệ 55% là xuất khẩu và được hưởng thuế ưu đãi 0%.
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có mỗi lợi thế về nhân công giá rẻ, còn công nghiệp ô tô tại EU rất phát triển, đạt trình độ tự động hóa cao, năng suất rất cao.
Vì vậy, yếu tố nhân công giá rẻ không thể cạnh tranh được. Hơn nữa, việc nhập linh kiện từ EU về lắp ráp rồi xuất sang EU càng không có lợi thế, bởi linh kiện mua thường có chi phí cao hơn so với dùng để lắp xe ngay tại EU.
Chưa kể, quãng đường vận chuyển xe từ Việt Nam sang EU xa, lại là hàng hóa cồng kềnh nên cước phí vận tải không hề thấp. Đấy là chưa kể ô tô Việt Nam mang thương hiệu gì, nếu mới lạ thì rất khó thành công, cho dù “cửa đã mở”.
Quan trọng hơn, tiêu chuẩn kỹ thuật ô tô của EU rất cao, trong khi của Việt Nam thấp. Để đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật và được các cơ quan chức năng EU chấp nhận không hề dễ dàng. Nếu triển khai theo tiêu chuẩn EU từ 10 năm trước, may ra còn có cơ hội xuất khẩu ô tô, ông Đồng cho hay.
Với các DN ô tô thuộc EU đang đầu tư tại Việt Nam, khi được hỏi có xuất khẩu xe về EU không, câu trả lời rõ ràng là: Theo quy định của hãng mẹ, chỉ có xe từ các nhà máy đặt tại EU và Mỹ được phép xuất khẩu ra thế giới, những nhà máy đầu tư tại các khu vực khác là để phục vụ thị trường tại chỗ, không có chuyện xuất ngược về EU.
Với Vinfast, thương hiệu ô tô Việt đang hợp tác với những tên tuổi trong lĩnh vực ô tô hàng đầu tại EU và luôn ấp ủ những kế hoạch lớn, thì: “Chúng tôi có kế hoạch xuất khẩu xe sang châu Âu nhưng vào thị trường EU hay ngoài EU, đến nay vẫn chưa có gì cụ thể”.
Theo giới chuyên môn, chỉ khi nào ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phát triển mạnh như Thái Lan, với tỷ lệ nội địa hóa đạt 60-80%, lúc đó mới bàn đến chuyện ô tô nguyên chiếc xuất khẩu sang EU. Như vậy cần thời gian dài với những chính sách đột phá, nếu thất bại thì chúng ta không bao giờ có cơ hội.