Việt Nam xin đừng "Bò-lê-ra"

AQ (Ảnh: D.A) |

Bolero là sang hay hèn, là bước tiến hay bước lùi, chuyện đó cứ mặc cho Tùng Dương, Mr Đàm và Lệ Quyên tự giải quyết. Bóng đá Việt Nam đã quá khiếp hãi cái món này rồi.

1. Trước khi tìm hiểu tại sao bóng đá Việt Nam "ghét Bolero", hãy bớt chút thời gian thể hiện sự nuối tiếc cho làng nhạc Việt. Thay vì linh đình tổ chức ăn mừng sự kiện một thành viên trong giới vừa được phong hàm "giáo sư", các gương mặt gạo cội khác đã nhanh chóng tiến hành một màn "trao đổi kiến thức" ầm ĩ như trong nhà trẻ.

Phải chăng là do BTC SEA Games 29 chọn phát bài hát chẳng ra Bolero mà cũng không theo chuẩn "hàn lâm" là "Chúng ta không thuộc về nhau" của Sơn Tùng, nên các ca sĩ đàn anh, đàn chị ở Việt Nam cảm thấy "động lòng" dẫn đến chia rẽ?

Bolero với thính phòng, Pop và dân ca, dòng nhạc nào cũng có nét hấp dẫn và đặc tính riêng, không nên đem ra so sánh. Ai thích loại nào thì nghe hoặc hát loại ấy. Chấm hết. Ép dầu ép mỡ, chứ ai nỡ ép người khoái phở phải nuốt xôi, ép fan của Hip Hop phải ngân nga Hard Rock.

Tương tự âm nhạc, bóng đá cũng có trường phái riêng. Ví dụ tại SEA Games kỳ này, trong khi Myanmar triển khai một lối chơi hăm hở tựa màn trình diễn của nhóm Linkin Park, thì U22 Việt Nam đập nhả duyên dáng như Đặng Thái Sơn múa tay trên phím dương cầm.

Việt Nam xin đừng Bò-lê-ra - Ảnh 1.

U22 Việt Nam đang triền diễn thứ bóng đá bắt mắt tại SEA Games 29.

2. Dù theo đuổi phong cách hay triết lý bóng đá nào, điều cốt lõi là các vị trí đều phải tự ráp với nhau thành một bản hòa âm hoàn chỉnh.

Bên cạnh một Công Phượng ngẫu hứng như một cây kèn saxophone, phải là một Văn Thanh mạnh mẽ và đều đặn như một tay trống. Tiếp nối những đường chuyền vượt tuyến cao vút như tông Bằng Kiều mà Xuân Trường thực hiện, phải là một Văn Toàn có tốc độ nhanh hơn màn solo guitar của Jimi Hendrix.

Ở trận quyết đấu với Indonesia, thật đáng tiếc là U22 Việt Nam chỉ làm tốt được một nửa phần việc của mình. Dàn hợp xướng do nhạc trưởng Hữu Thắng chỉ huy đã nhập cuộc một cách tưng bừng bằng "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ", nhưng phần cuối thì vẫn là "Tình lỡ" với "Nỗi đau ngự trị".

Việt Nam xin đừng Bò-lê-ra - Ảnh 2.

U22 Việt Nam liên tiếp bỏ lỡ cơ hội trước U22 Indonesia.

Để thành công tại SEA Games 29 hoặc chí ít là… không bị loại ngay từ vòng bảng, một tập thể bao gồm những cá thể có sở trường, sở thích, gốc gác khác nhau của U22 Việt Nam cần phải nắm tay nhau hòa cùng một nhịp ở trận tiếp theo gặp U22 Thái Lan.

Thất vọng vì trận hòa Indonesia bao nhiêu đi chăng nữa, tuyệt nhiên không thể để xảy ra những chuyện kiểu như Tiến Dũng chê Văn Hậu "thụt lùi" hay Tuấn Anh "ảo tưởng cho mình là ai đó ghê gớm lắm" mà chẳng hiểu sao hôm rồi lại không được thi đấu từ đầu.

Vì mục tiêu chung, U22 Việt Nam phải chứng minh được "bản lĩnh sân khấu" ở những thời khắc quyết định. Chứ nếu Công Phượng và các đồng đội vẫn cứ loay hoay không thể xác định được phong cách nghệ thuật như ở trận gặp Indonesia, bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ lại một lần nữa... "Bò-lê-ra" khỏi SEA Games.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại