Năm 2024: De-risking - Disruptive
Những thay đổi trong các năm qua, bao gồm cả những cơn gió ngược của 2023, đã và đang phản ánh những xu hướng mới của thế giới, một thế giới đang ở trong giai đoạn chuyển động rất sâu sắc và với những dấu mốc của một giai đoạn lịch sử mới. Và một thế giới đó đang ngày càng trở nên phân mảnh phức tạp (fragmented). Rõ ràng các quốc gia đều phải nhìn nhận và có những cách tiếp cận rất khác trước với nhiều vấn đề.
Có hai chữ nổi bật người ta thường nhắc đến để minh họa cho hệ lụy của các chuyển động đó: Phân tách và đứt gãy (derisking + disruptive). Đó là hệ lụy đến từ chính trị cạnh tranh nước lớn, các phân tách kinh tế và công nghệ, đến những đột phá về đổi mới sáng tạo.
Để tiếp nối và về 2024 cá nhân tôi muốn lưu ý thêm mấy điểm sau:
Một là, thế giới bất ổn, không phải chỉ bởi các cuộc khủng hoảng đã xảy ra mà còn cả bởi các các nguy cơ tiềm ẩn có thể bùng phát thành các điểm nóng mới, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine hay ở Trung Đông, cùng với những diễn biến phức tạp ở các khu vực như ở Châu Phi hay những nguy cơ ở Châu Á - Thái Bình Dương này, như chuyện biển đảo giữa Philippines - Trung Quốc hay diễn biến quanh eo biển Đài Loan.
Hai là, xu hướng thế giới ngày càng phân mảnh trước những cọ xát địa chiến lược ngày càng phức tạp. Đặc biệt, về kinh tế có thể thấy rõ 2 xu hướng cần lưu ý:
De-risking, tức là xu hướng chuyển dịch, đa dạng hoá và phân tách để giảm thiểu các rủi ro về kinh tế và công nghệ, đan xen với các yếu tố chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, kéo theo đó những hệ lụy mới cho các nước khác.
Bên cạnh đó, công nghệ phát triển một mặt đã tạo ra những cơ hội và động lực mới, nhưng mặt khác, thế giới cũng nhắc đến các tác động Disruptive, tức là đứt gãy đứt, làm đứt quãng các chuỗi cung ứng, liên kết của khu vực và thế giới, cũng như quá trình phát triển của mỗi một quốc gia, lại càng phức tạp do cọ xát và phân tách giữa các “trung tâm quyền lực và sáng tạo” của thế giới.
Vì vậy, đi cùng với sự bất ổn, đó là sự phân mảnh và điểm đáng chú ý là các yếu tố trên mang tính đan xen, cộng hưởng và nhiều chiều, cả về chính trị, kinh tế và công nghệ.
Chiều hướng này sẽ còn kéo dài và khác với thời kỳ chiến tranh lạnh Xô - Mỹ, sẽ không dẫn đến một thế giới phân tách thành hai khối, hai hệ thống đối đầu và biệt lập với nhau. Sự phân mảnh hiện nay diễn ra trong một thế giới vẫn tiếp tục tùy thuộc lẫn nhau và các chuỗi cung ứng đan xen với nhau sâu sắc đã được tạo lập trong nhiều thập kỷ qua.
Điều này đặt ra những vấn đề rất mới cho thế giới và các nước. Trước hết, trong bối cảnh chuyển dịch sâu sắc đó, cơ hội và thách thức không tách biệt mà sẽ đan xen rất phức tạp, trong từng lĩnh vực và với từng đối tác, trong bức tranh chung cùng lúc vừa phân tách vừa tùy thuộc, về kinh tế, thương mại, công nghệ, lại càng bị phức tạp thêm bởi các yếu tố địa chính trị, cạnh tranh nước lớn, và các cuộc xung đột, khủng hoảng.
Các chuyển dịch về kinh tế, thương mại, đầu tư giờ đây không chỉ thuần túy vận động theo cơ chế thị trường và lợi nhuận như trước đây, tức là nơi nào lợi nhiều về kinh tế thì các đối tác, các tập đoàn, doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế dồn vào đó. Quan tâm mới hiện nay đặt nhiều hơn đến các vấn đề an ninh, xét từ cả góc độ an ninh về kinh tế, an ninh về công nghệ và an ninh về chính trị.
Điều đó kéo theo việc chuyển dịch của các chuỗi cung ứng, các luồng đầu tư tài chính và công nghệ cũng sẽ nhấn nhiều hơn đến các vấn đề an ninh quốc gia - Cái gốc của quá trình “derisking” về phân tách và đa dạng hoá nhằm giảm thiểu rủi ro, đang diễn ra rất sâu sắc hiện nay.
Các chuyển dịch đó vừa là những thách thức phức tạp, nhưng cũng vừa tạo ra những cơ hội mới cho các nước, khi các luồng đầu tư, tài chính, công nghệ, thương mại chuyển dịch sang các nước khác, nơi được xem là có độ an toàn và tin cậy cao hơn.
Thứ hai, trong bối cảnh thế giới vừa phụ thuộc vừa phân mảnh phức tạp đó, việc lựa chọn và tính toán lợi ích quốc gia thế nào cho phù hợp và tối ưu nhất, sẽ không hề đơn giản.
Về chính trị, câu chuyện không chỉ đơn thuần là “không chọn bên”, mà còn là làm sao chơi được với các bên và chủ động tranh thủ được các mặt hợp tác, có lợi cho đất nước, nhất là với các đối tác chủ chốt, khi giữa họ có sự cọ xát và cạnh tranh nhau sâu sắc.
Về kinh tế, điều này càng thể hiện rõ nét sự phức tạp đối với các nước trong lựa chọn thế nào cho phù hợp, cả ở tầm vĩ mô và ở tầm vi mô hơn.
Ví dụ, 3 trung tâm kinh tế lớn, là Châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, cũng là 3 thị trường lớn của chúng ta, làm sao phải giữ được hợp tác tốt với cả ba, trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh và phân tách, là điều rất quan trọng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giữ được cân đối cán cân xuất nhập khẩu, khi Mỹ và EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi chúng ta phải nhập nhiều từ Trung Quốc cho đầu vào của các sản phẩm xuất khẩu của mình.
Hay với các đối tác lớn, như Mỹ, Trung, Nga, châu Âu, phức tạp còn nhiều hơn nữa, vì ngoài các yếu tố kinh tế (như thuế quan), còn cả những yếu tố địa chính trị, như các tiêu chuẩn về an ninh kinh tế-công nghệ, về nhân quyền, thậm chí còn bao gồm cả những biện pháp trừng phạt, cấm vận về nhiều mặt.
Đơn cử như cuộc chiến ở Ukraine, các giao dịch thương mại và tài chính với Nga sẽ vừa phải đối diện với hàng loạt các biện pháp hạn chế do trừng phạt của phương Tây, vừa dễ bị trả đũa nếu vi phạm, điều được gọi là trừng phạt thứ cấp đối với bên thứ ba.
Hay giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ áp đặt thuế ở mức rất cao đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc, nếu sản phẩm của nước thứ ba có nhiều “hàm lượng Trung Quốc” (nguyên vật liệu đầu vào), chắc chắn cũng sẽ bị chịu mức thuế cao đó khi đi vào thị trường Mỹ, điều này buộc các nước phải lựa chọn thêm “đầu vào” từ các nước khác, dù có thể không thuận lợi bằng. Chưa kể về công nghệ, các hạn chế và trừng phạt hiện nay của Mỹ với Trung Quốc dẫn tới việc, trên nhiều lĩnh vực, nhất là về các công nghệ lõi chất bán dẫn, một khi đã dùng hàng công nghệ Trung Quốc, thì sẽ khó có thể “kết nối” được với Mỹ, tức là Mỹ không cho đầu tư và chuyển giao công nghệ Mỹ một khi đã dùng đồ công nghệ của Trung Quốc.
Do vậy và khác với trước đây, trong một chuỗi cung ứng các nước buôn bán với Trung Quốc thì vẫn buôn bán được với Mỹ, vẫn buôn bán được với châu Âu, còn hiện nay thì không hoàn toàn như vậy, có những thứ buôn bán với Mỹ chưa chắc đã buôn bán được với Trung Quốc.
Ngược lại, có cái buôn bán với Trung Quốc song chưa chắc đã kết nối được với chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị của Mỹ, nhất là những thứ liên quan như về công nghệ cao, chất bán dẫn.
Những điều này đặt ra những thách thức rất mới. Các nước đều sẽ phải cân nhắc rất kỹ và cụ thể trên từng lĩnh vực, từng loại mặt hàng sao cho phù hợp nhất với lợi ích quốc gia của mình, về lâu dài cũng như trong bối cảnh phân tách mới đang diễn ra phức tạp.
Thứ ba, đó là thiếu hụt lòng tin sâu sắc. Sự thiếu hụt lòng tin không chỉ trong quan hệ giữa các nước lớn, mà còn ngay cả với các thiết chế đang quản trị toàn cầu như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như ở cấp độ các khu vực.
Đơn cử về châu Âu, cấu trúc khu vực về an ninh và kinh tế ở khu vực này tưởng chừng là bền vững, cũng đã bị rạn nứt và phá vỡ bởi cọ xát nước lớn, cuộc khủng hoảng Ukraine, cùng các diễn biến phức tạp tích đọng qua nhiều thập kỷ.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây cũng đã từng nhận xét: Các thiết chế quốc tế bao gồm cả LHQ hiện nay đã trở nên lỗi thời và cần phải được cải tổ và đổi mới. Theo đó, LHQ sẽ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh về Tương lai vào tháng 9 năm nay nhằm bàn về việc cải cách LHQ và các thiết chế quản trị toàn cầu, trước những phát triển mới của thế giới.
Việt Nam vượt “gió ngược” 2023
Trong bức tranh đó, Việt Nam ở trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có cả những mặt thuận mà có cả mặt không thuận.
Trước hết, Châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất, là động lực tăng trưởng của thế giới. Đồng thời, nhìn lại 2023, cái thuận ở khu vực này là xu hướng chung các nước đề cao đối thoại, hợp tác, hội nhập và chủ nghĩa đa phương. Nếu như ở nhiều nơi khác nổi lên là bảo hộ mậu dịch, phản toàn cầu hóa, hay xung đột, thì rõ ràng ở Châu Á - Thái Bình Dương này người ta vẫn rất cần đối thoại, rất cần hợp tác, rất cần thuận lợi hóa thương mại, cũng như rất cần liên kết khu vực. Các thiết chế hợp tác khu vực, đặc biệt là ASEAN và các diễn đàn liên quan ASEAN, vẫn tiếp tục được đề cao và phát huy vai trò. Đây là điểm mạnh ở khu vực.
Thứ hai, khi trọng tâm chiến lược thế giới chuyển dịch từ Tây sang Đông, thì cạnh tranh nước lớn cũng chuyển dịch trọng tâm và mở rộng sang khu vực này, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Theo đó, khu vực cũng đứng trước nhiều vấn đề mới, bao gồm cả cơ hội và thách thức: Cơ hội là khả năng kết nối và hợp tác với các nước lớn, các đối tác chủ chốt, khi họ đều quan tâm và muốn tranh thủ khu vực; đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác khu vực, cả về kinh tế, công nghệ và an ninh; cùng với đó là sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng và các cơ hội về thương mại, đầu tư.
Mặt khác, điều này cũng đặt ra các thách thức mới, sức ép về chọn bên hay không chọn bên, sức ép về việc liệu có phải đi với bên này hay với bên kia hay không. Tiếp đó, chuyện cạnh tranh nước lớn cũng làm gia tăng và phức tạp hơn các nguy cơ tiềm ẩn ở khu vực, trong đó có những câu chuyện như Biển Đông, Mê Kông, hay eo biển Đài Loan…
Thứ ba, trong khu vực đang diễn ra sự chuyển dịch sâu sắc về tập hợp lực lượng và điều chỉnh chính sách của các nước. Xu thế chung, nhất là các nước ASEAN, ủng hộ mạnh mẽ hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, kết nối với các đối tác trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế và cùng có lợi, hợp tác chung với các nước và không chọn bên, đồng thời phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và ủng hộ các nước lớn, các đối tác gắn kết với khu vực vì các mục tiêu chung.
Nhìn lại, có thể thấy 2023 đúng là một năm của những cơn gió ngược, đối với thế giới cũng như với khu vực: từ các hệ lụy kéo dài của đại dịch, đến các bất ổn và khó khăn kinh tế, lạm phát gia tăng, đến cạnh tranh nước lớn, hệ lụy của các cuộc khủng hoảng như Ukraine, Trung Đông; cùng với đó là sự đứt gãy, chuyển dịch và bất ổn của các chuỗi cung ứng, sức mua thu hẹp của các thị trường chủ chốt; đến các thách thức an ninh phi truyền thống như về dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh nguồn nước.
Trong bối cảnh đó và nhìn lại 2023, Việt Nam không chỉ đã vượt qua “những cơn gió ngược” đó, mà còn tạo ra được một cục diện và thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho an ninh và phát triển đất nước trong thời gian tới. Đó là dấu ấn mang ý nghĩa chiến lược và lịch sử.
Chúng ta là một trong những nước đã sớm kiểm soát và vượt qua được đại dịch, từ đó mở lại các hoạt động về kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Việt Nam duy trì được đà phục hồi và cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao là 5,5 %.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023, mặc dù gặp khó khăn do các thị trường chủ chốt suy giảm nhu cầu, vẫn giữ được mức 700 tỉ USD. Thu hút đầu tư tiếp tục tăng và đạt trên 36 tỉ USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục được xem điểm đến an toàn và tin cậy, được các nước quan tâm, trong bối cảnh thế giới đang diễn ra quá trình chuyển dịch và phân tách của các chuỗi cung ứng.
Tiếp đó, là thành tựu nổi bật về đối ngoại của Việt Nam: Tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ với các đối tác chủ chốt, đặc biệt là với các nước lớn, từ đó tạo ra môi trường và thế chiến lược mới thuận lợi cho an ninh và phát triển của đất nước.
Đây được coi là dấu ấn điển hình và có ý nghĩa lịch sử của đối ngoại. Trong năm 2023, Việt Nam đã đón nguyên thủ của hai cường quốc và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, là Tổng thống Mỹ Joe Biden (tháng 9/2023) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), nâng tầm quan hệ với hai đối tác chủ chốt này cả về nội hàm chính trị cũng như về các lĩnh vực hợp tác. Quan hệ với Mỹ được nâng tầm lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, cùng với đó là các cơ hội cho các lĩnh vực hợp tác mới, đáng chú ý là về công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất bán dẫn, hay chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Trong năm, chúng ta cũng đã làm sâu sắc quan hệ với các nước láng giềng, khu vực ASEAN và nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Mới đây nhất, vào ngày 7/3/2024, trong chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Như vậy, đến nay, chúng ta đã có 30 đối tác vừa toàn diện vừa chiến lược, trong đó 7 đối tác Chiến lược Toàn diện với các đối tác chủ chốt là: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia. Điều này đã tạo ra môi trường và vị thế chiến lược mới cho đất nước, cùng các cơ hội mới về tranh thủ và đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, bao gồm cả về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như về an ninh, quốc phòng, công nghệ và các lĩnh vực khác.
Năm 2024: dấu mốc của thời cơ
Rõ ràng, những kết quả đạt được của năm 2023, về phát triển và đối ngoại, đã tạo ra vị thế và các cơ hội mới thuận lợi đối với Việt Nam khi bước vào năm 2024 và tạo đà để tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược về phát triển đất nước tới 2030 và 2045. Theo đó, chúng ta cần vừa tiếp tục nhân lên các kết quả đã đạt, vừa cần kịp thời nắm bắt và tranh thủ hiệu quả các cơ hội đang mở ra.
Bước sang 2024 là thời điểm chúng ta chuyển mạnh sang chủ động chiến lược, bao gồm cả về chủ động phát huy thế đối ngoại chiến lược mới và tranh thủ các cơ hội mới cho phát triển và an ninh của đất nước.
Thứ nhất, chắc chắn đó là việc chủ động triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, nhất là các thỏa thuận đã đạt được trong năm 2023, với Mỹ và Trung Quốc và với các đối tác chủ chốt khác. Trước hết là câu chuyện xây dựng lòng tin để làm sâu sắc hơn quan hệ, thông qua các nguyên tắc về hiểu biết, tôn trọng, cùng có lợi và đan xen lợi ích. Khi quan hệ được nâng tầm, thì việc xây dựng lòng tin và các khác biệt, các tồn tại cũng phải được xử lý ổn thỏa hơn, trên cơ sở đối thoại, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác chung. Thí dụ về Biển đông, rõ ràng, cọ xát trên bàn đàm phán sẽ tốt hơn rất nhiều so với cọ xát trên biển. Đối thoại và bàn bạc là để tránh xảy ra phức tạp trên thực địa, cũng là để tăng cường xây dựng lòng tin.
Tiếp đó là việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, nhất là các dự án phù hợp với định hướng phát triển mới bền vững của Việt Nam, như về hạ tầng, công nghệ, chất bán dẫn, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, chúng ta có thể và cần chủ động hơn trong việc khai thác các sáng kiến của các nước lớn và các nước đối với khu vực, trong đó có các sáng kiến về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trên cơ sở phù hợp với lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Từ đó, có thể xem xét ở các góc độ khác nhau: cả về song phương, đan xen với các nước khác và về đa phương. Ví dụ, khi đã đồng ý với sáng kiến cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc, thì chúng ta cũng cần chủ động hơn khai thác các sáng kiến của các nước khác, như về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật, Hàn, EU, Australia, Ấn Độ.
Cũng đã đến lúc, chúng ta cũng cần cân nhắc xem xét một số lĩnh vực hợp tác chung và phù hợp, như về y tế, biến đổi khí hậu, công nghệ, chuỗi cung ứng, của các cơ chế mới như Tứ giác kim cương (Quad). Ngay cả song phương với Trung Quốc, trong khi làm sâu sắc quan hệ ở tầm mức mới, thì cũng cần tranh thủ cả mặt hợp tác về kinh tế thương mại, cũng như mặt quản trị khác biệt về kiểm soát vấn đề Biển Đông.
Hay với Mỹ cũng vậy, với khuôn khổ đối tác mới, vừa cần làm sâu sắc nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị, vừa đẩy mạnh tranh thủ các cơ hội hợp tác mới, như về đổi mới sáng tạo, chất bán dẫn, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, chúng ta cần tiếp tục vai trò ở khu vực, trong ASEAN và mở rộng quan hệ với các đối tác quan trọng khác. Theo đó, chúng ta có thể đề xuất các sáng kiến về ASEAN, như liên kết ASEAN gắn kết với các xu hướng phát triển mới bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, về ứng phó của ASEAN trong một thế giới ngày càng phân mảnh về kinh tế và công nghệ, hay về vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng lòng tin và cấu trúc khu vực. Cùng với đó, chúng ta vừa tranh thủ các đối tác lớn, vừa tăng cường kết nối với các nước ASEAN, thực hiện các sáng kiến, hợp tác mang tầm khu vực, như với Singapore, Malaysia vốn có tiềm năng về khoa học công nghệ, hay với Indonesia, nền kinh tế và thị trường lớn nhất trong khu vực; làm sâu sắc quan hệ với Lào và Campuchia; tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Kông.
Chúng ta hiện cũng đang cùng một số nước cân nhắc khả năng nâng tầm quan hệ đối tác, lên Đối tác chiến lược toàn diện, như với Singapore hay Indonesia. Đó là các đối tác quan trọng và cũng là một mặt triển khai, phát huy vị thế mới của Việt Nam. Nhân đây, cũng xin lưu ý thêm, đối tác chiến lược toàn diện là tầm mức quan hệ cao nhất, thể hiện bức tranh chiến lược về ưu tiên và quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam, do đó việc mở rộng thêm như thế nào, sẽ cần phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng, về các mặt và tránh đại trà hóa.
Thứ tư, tranh thủ các cơ hội mới nhất là về kinh tế, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh việc tăng cường năng lực, hiệu quả và sức hấp dẫn của nền kinh tế quốc gia, bắt kịp với những yêu cầu của các xu thế phát triển mới, về đổi mới sáng tạo, công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Lúc này cũng là cơ hội để chúng ta tranh thủ về chuyển giao công nghệ và từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị ở phân khúc chất lượng cao hơn. Chính phủ đã có những chủ trương và kế hoạch về các lĩnh vực này, về ba khâu then chốt là hạ tầng, khung chính sách và nguồn nhân lực, điều quan trọng bây giờ là cần phải đẩy mạnh triển khai trên thực tế, cũng như kịp thời tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại, trong nền kinh tế và trong hợp tác với các nước.
Cuối cùng, với vị thế mới, chúng ta càng có điều kiện để phát huy hơn nữa vai trò và chủ động đóng góp vào các công việc chung, trong đó có về quản trị toàn cầu, thượng tôn luật pháp quốc tế, cải tổ và đổi mới LHQ và các thiết chế đa phương, cũng như việc quản trị đối với các lĩnh vực mới như về trí tuệ nhân tạo.
Một điểm nữa là khi chúng ta có vị trí và vị thế về chiến lược mới của cái 2023 thì rõ ràng chúng ta phải nhân lên để tạo ra môi trường ngày càng tốt hơn về mặt đối ngoại, về hòa bình và phát triển cho Việt Nam ở chính cái khu vực này. Vì vậy, cùng với làm sâu sắc các quan hệ với các nước lớn, với các nước láng giềng, với các đối tác thì ta phải nâng cao vai trò của ASEAN.
Vậy thì 2024 chính là thể hiện tính thời điểm. Nếu không bắt kịp được thì thời cơ sẽ tuột mất.
Những gì đã đạt được trong năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra môi trường và vị thế chiến lược mới rất thuận lợi, với những thời cơ chiến lược mới cho Việt Nam.
Bước vào 2024, đáng chú ý, đây vẫn sẽ là một năm tiềm ẩn những yếu tố khó lường, cũng là năm diễn ra nhiều cuộc bầu cử, trong đó có bầu cử tổng thống ở Mỹ và một số đối tác quan trọng, có thể dẫn đến việc điều chỉnh cách tiếp cận và các chính sách. Cuộc bầu cử ở Mỹ, vào tháng 11/2024, sẽ là cuộc tranh cử giữa ứng viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, có thể tái lập một cuộc đua mới giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.
Chứng kiến 3 chính quyền Mỹ gần đây nhất, từ Tổng thống Barack Obama sang Tổng thống Trump rồi từ Tổng thống Trump sang Tổng thống Biden, rõ ràng có nhiều sự thay đổi, về cả đối nội và đối ngoại.
Một khác biệt lớn là về kinh tế-thương mại, về câu chuyện mở cửa hay không mở cửa thị trường Mỹ và kết nối với bên ngoài, hay cách tiếp cận về quan hệ với các đồng minh và các đối tác. Đơn cử, Tổng thống Trump đặt ưu tiên về nước Mỹ trước hết, coi trọng việc xử lý vấn đề thâm hụt thương mại với các nước, yêu cầu các đồng minh cũng phải chia sẻ trách nhiệm, xem nhẹ hơn các cam kết đa phương, trong đó có việc hủy bỏ việc Mỹ tham gia hiệp định TPP của chính quyền Tổng thống Obama trước đó.
Như vậy, mặc dù lợi ích quốc gia của nước Mỹ là nhất quán, nhưng cách tiếp cận của mỗi Tổng thống và mỗi chính quyền có thể rất khác nhau về chính sách đối ngoại, trong đó có về mức độ coi trọng các đối tác, hay các cam kết quốc tế về kinh tế, thương mại, công nghệ.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là câu chuyện lớn liên quan đến thời điểm và thời cơ. Các cơ hội có thể đến rồi đi, khi mà thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp và cũng cần lưu ý rằng, trong khu vực cũng có sự cạnh tranh rất lớn giữa các nước để tranh thủ các cơ hội này. Trên thực tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của Mỹ hay của các nước khác sẽ tìm đến nơi nào thuận lợi nhất, mà không chờ đợi chúng ta.
Do đó và với đà đạt được của 2023, có hai việc cùng lúc phải chú trọng, đó là phải kịp thời tranh thủ các cơ hội mới đang mở ra, cả về chính trị, kinh tế và an ninh, đi đôi với đó là phải tiếp tục tạo dựng sự bền vững của thế chiến lược mới này.
Nhiều cơ hội kinh tế, thương mại, đầu tư chỉ đến có tính thời điểm, nếu không bắt kịp, các cơ hội có thể sẽ qua đi. Vì vậy, việc đạt các thỏa thuận vừa qua là cơ sở, nhưng quan trọng là nắm bắt được các cơ hội và triển khai thực hiện. Về hợp tác kinh tế hay về công nghệ, chất bán dẫn, ngoài cam kết của các chính phủ, còn phải tạo ra được sự kết nối, làm ăn thực tế giữa các doanh nghiệp của hai bên. Hay việc Việt Nam đứng trước các cơ hội hợp tác đến từ sự chuyển dịch về đầu tư, tài chính, công nghệ và các chuỗi cung ứng, khi được xem là một điểm đến an toàn và tin cậy. Nhưng đây mới chỉ là một điểm thuận lợi khởi đầu và để tranh thủ được các cơ hội, chúng ta còn phải đồng thời tạo ra được lợi thế so sánh, cạnh tranh tốt hơn các thị trường khác trong khu vực, đặc biệt là thông qua việc đẩy mạnh đổi mới, nâng cao năng lực và tính hiệu quả của nền kinh tế, tạo sức hấp dẫn lớn hơn đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.
Về tổng thể đối ngoại, chúng ta nhất quán và tiếp tục phát huy chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, đi cùng với đổi mới, nâng cao năng lực nền kinh tế và tăng cường hội nhập quốc tế.
Vì vậy năm 2024 sẽ rất quan trọng, là một năm dấu mốc mang tính thời cơ.
Ai cũng rất muốn rằng là thời điểm 2024 này, chúng ta kịp khởi động và đặt một nền tảng để có một cái dấu chấm đỏ Việt Nam về công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là về chất bán dẫn ở trên cái bản đồ chuỗi cung ứng và sản xuất bán dẫn trên thế giới.
Tôi nghĩ rằng, trước hết, phải khai thác mọi cơ hội, mọi tiềm năng có thể. Ở đây, xin nhắc lại, có hai điểm, một là ở tầm chính trị, cần phải nhân lên hơn nữa vị thế chiến lược mới và hai là, tranh thủ các cơ hội hợp tác mới, nhất là về đổi mới sáng tạo. Trên đây, chúng ta đã chia sẻ những điểm cần phát huy trong bối cảnh vị thế địa chiến lược mới của nước ta, trong đó có câu chuyện xây dựng lòng tin, tranh thủ hơn nữa các sáng kiến ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả các sáng kiến của các nước lớn, việc mở rộng quan hệ với các đối tác quan trọng khác, phục vụ cho lợi ích về phát triển, an ninh và nâng cao vị thế của Việt Nam.
Ở đây, trong cái chung đó, chắc chắn chúng ta nghĩ đến nhiều hơn về một điểm mới trong câu chuyện hợp tác, đó là về công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là về chất bán dẫn.
Lần đầu tiên, hai nước Việt - Mỹ nêu đậm hợp tác về lĩnh vực này trong tuyên bố nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nhiều nhà đầu tư, công nghệ của Mỹ và các nước cũng rất quan tâm đến Việt Nam. Chúng ta cũng đã có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bắt kịp với yêu cầu mới trong lĩnh vực này. Đương nhiên, còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, bao gồm cả về các khung chính sách. Đây là cơ hội hiếm nhưng cũng đang đứng trước sức ép cạnh tranh, tranh thủ về vấn đề này của các địa bàn khác trong và ngoài khu vực.
Do đó, rất mong muốn, từ năm mới này, chúng ta kịp khởi động và đặt một nền tảng để có thể có được một cái dấu chấm đỏ Việt Nam về công nghệ, nhất là về chất bán dẫn, trên bản đồ chuỗi cung ứng và sản xuất bán dẫn của thế giới.
Cuối cùng, cần trở lại câu chuyện về hợp tác và quản trị toàn cầu, khu vực. Thế giới không chỉ đứng trước những thách thức vốn có, điều đã đòi hỏi phải cập nhật và cải tổ các thiết chế toàn cầu hiện nay. Thế giới còn chứng kiến những phát triển mới, có cả cơ hội và thách thức, nhất là về công nghệ, trong đó đặt ra do những lỗ hổng và yêu cầu mới về quản trị toàn cầu.
Vậy thì những tổ chức ở toàn cầu như LHQ, WTO hay ở khu vực như là ASEAN và APEC, sẽ phải ứng phó và xử lý ra sao, làm sao không chỉ đổi mới chính mình cho phù hợp mà còn tạo ra năng lực để có thể chủ động điều phối các nỗ lực về các lĩnh vực này, như về quản trị trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai, do cạnh tranh nước lớn, cọ xát lợi ích và thế giới phân mảnh, các thiết chế này cần phải làm sao tiếp tục đóng được vai trò là nơi qui tụ sự hợp tác và đối thoại giữa các nước, ở tầm quốc tế và khu vực, thông qua chủ nghĩa đa phương và dựa trên luật pháp quốc tế, để thúc đẩy điểm đồng, xây dựng lòng tin, các chuẩn mực ứng xử và các chương trình hành động vì các mục tiêu chung, trong đó có về quản trị toàn cầu về những vấn đề mới nổi lên. Trong khu vực, chắc chắn ASEAN cũng sẽ phải cập nhật và đổi mới như vậy, để bắt kịp với tình hình mới và thể hiện xứng đáng tư cách là tổ chức có vai trò trung tâm ở khu vực.
Trong bối cảnh đó và với vị thế mới, Việt Nam không chỉ là thích ứng, mà có đủ điều kiện và năng lực để chủ động nắm bắt và tranh thủ các cơ hội hợp tác của môi trường chiến lược mới về các lĩnh vực, từ kinh tế, công nghệ đến chính trị, an ninh, cũng như chủ động tham gia đóng góp vào các nỗ lực chung về quản trị toàn cầu và khu vực.
Việt Nam không chỉ là một mắt xích trong các chuỗi cung ứng hoặc quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ mà Việt Nam còn “cộng” các nước đó vào trong các hoạt động của ASEAN.