Việt Nam vừa ghi nhận một kỷ lục lịch sử, Mỹ và Trung Quốc đóng góp nhiều nhất

Pha Lê |

Nhiều kỷ lục đã được ghi nhận.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong tháng 11/2024 ghi nhận mức tăng trưởng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu các nhóm hàng của ngành nông nghiệp đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức cao kỷ lục lịch sử của ngành hàng nông nghiệp. Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại của ngành đạt thặng dư gần 16,5 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, các ngành hàng trong nhóm đều ghi nhận mức tăng cao. Nông sản đạt gần 30 tỷ USD (tăng hơn 23%), thủy sản 9,2 tỷ USD (tăng 11,8%), lâm sản gần 15,6 tỷ USD (tăng 19,6%) và sản phẩm chăn nuôi hơn 475 triệu USD (tăng 4,4%).

Trong 11 tháng qua, nhiều mặt hàng nông sản lập kỷ lục mới. Xuất khẩu cà phê 11 tháng qua thu về 4,84 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023 - mức cao nhất trong lịch sử.

Xuất khẩu gần 8,5 triệu tấn gạo, thu về 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo lập kỷ lục cả về sản lượng lẫn giá trị. Gạo Việt Nam có tới 89% là gạo chất lượng cao với giá xuất khẩu 623 USD/tấn.

Trong khi đó, xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh đưa kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả vọt 28,2% so với cùng kỳ năm 2023, lên mức kỷ lục 6,66 tỷ USD. Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam cũng lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái...

Xét theo mặt hàng, Việt Nam có 7 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD trong 11 tháng năm nay, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ đạt thặng dư 12,11 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng rau quả đạt thặng dư 4,56 tỷ USD (tăng 34%); cà phê đạt 4,53 tỷ USD (tăng 31%); gạo đạt 4,07 tỷ USD (tăng15%); tôm đạt 3,19 tỷ USD (tăng 21%); cá tra đạt 1,72 tỷ USD (tăng 10%) và hạt tiêu đạt 1,07 tỷ USD (tăng 44%).

Về thị trường, châu Á chiếm 48,2% tổng kim ngạch, tiếp theo là châu Mỹ với 23,7% và châu Âu khoảng 11,3%. Mỹ và Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng lần lượt 21,7% và 21,6%. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh gần 25%, Trung Quốc tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, với kết quả đã đạt được, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2024 dự kiến cả năm vượt mốc 60 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 của Việt Nam đạt 40,28 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản nhiều nhất từ các thị trường thuộc khu vực châu Á và châu Mỹ với thị phần lần lượt là 28,7% và 24,2%.

Trung Quốc, Brazil và Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất cho Việt Nam với thị phần lần lượt là 9,6%, 8,1%, và 7,4%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 11 tháng năm 2024 từ thị trường Trung Quốc tăng 25,2%, Brazil tăng 14%, và Hoa Kỳ tăng 4,8%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại