Thị trường xe bọc thép hạng nhẹ thế giới cực sôi động
Trong biên chế quân đội nhiều quốc gia trên thế giới, từ những "anh cả" như Nga, Mỹ, cho tới các quốc gia nhỏ bé, đều có trang bị một lượng lớn xe bọc thép hạng nhẹ hiện đại.
Chẳng hạn Nga sản xuất và cung cấp một lượng lớn xe bọc thép Tiger và Kamaz Typhoon cho Quân đội và các lực lượng chấp pháp của nước này, trong khi Mỹ thì có dòng Humvee nổi danh, có mặt ở khắp thế giới.
Các quốc gia ở đẳng cấp thấp hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, UAE cũng có những loại xe bọc thép nội địa cả bánh xích và bánh hơi khá tốt và đang bán chạy trên thị trường vũ khí thế giới, cạnh tranh trực tiếp với những "ông lớn".
Còn ở Đông Nam Á, Singapore là một ví dụ điển hình, họ đã chế tạo thành công xe bọc thép Terrex ICV và cuối năm ngoái những chiếc xe này đã bỗng nhiên "nổi đình nổi đám" khi bị Chính quyền Hong Kong tạm giữ.
Rõ ràng, nhu cầu về xe bọc thép hạng nhẹ trên thế giới rất lớn và nguồn cung cũng dồi dào do nhiều quốc gia cùng tham gia đầu tư phát triển. Giá cả cũng không quá cao, chỉ cần một vài trăm nghìn USD là có thể sở hữu ngay những chiếc xe khá hoàn hảo.
Xe bọc thép Terrex do Singapore tự chế tạo.
Việt Nam đã có điều kiện cần...
Có thể khẳng định nhu cầu về xe bọc thép hạng nhẹ, hạng trung của Việt Nam (tính chung cho cả Quân đội và Công an) là rất lớn.
Cụ thể, với Quân đội, BTR-152 (chế tạo từ cuối những năm 1940 và chính thức sản xuất từ năm 1950) vẫn đang ngày đêm hoạt động bất chấp tuổi thọ đã cao do được đưa vào sử dụng từ lâu.
Mặc dù gần đây đã được nâng cấp động cơ và trang bị vũ khí mới những sớm muộn BTR-152 cũng sẽ phải bị loại biên.
Bên cạnh đó, các xe trinh sát bọc thép BRDM-2 và BTR-60PB tuy mới hơn một chút những cũng đã ở cuối vòng đời, dù vẫn đang đóng vai trò là xương sống của các đơn vị cơ giới và hải quân đánh bộ. Nhu cầu thay thế những dòng xe này là tất yếu.
Trong khi đó, xu hướng tương lai của hầu hết các quân đội trên thế giới là tìm mọi cách nâng cao khả năng cơ động nhanh trên mọi địa hình, đảm bảo cho kíp chiến đấu an toàn, phát huy được hiệu quả đột kích bằng cơ giới.
Ngoài ra, các đơn vị biên phòng, kiểm soát quân sự của QĐND Việt Nam cũng cần được trang bị một số xe bọc thép hạng nhẹ, dù không nhiều.
Đối mặt với yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội, và nhất là các tình huống khủng bố có thể xảy ra, gần đây Lực lượng Công An đã được trang bị xe bọc thép hạng nhẹ thế hệ mới như RAM-MK3 (Israel), Hummer (Mỹ) và một số loại xe khác, nhưng số lượng khá hạn chế, cần phải được bổ sung nhiều hơn nữa.
Xe bọc thép RAM-2000 MK3 được Bộ Công an giới thiệu.
... điều kiện đủ đang nằm ở đâu?
Mặc dù trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ngành CNQP Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn như nghiên cứu và sản xuất được hầu hết các loại vũ khí mang vác dành cho sư đoàn bộ binh, tên lửa phòng không vác vai tầm thấp, các loại radar tương đối hiện đại, nhưng đối với lĩnh vực chế tạo xe bọc thép thì chưa có kinh nghiệm thực sự.
Trên thực tế, chế tạo xe bọc thép không đơn giản vì nó liên quan đến khá nhiều công nghệ vốn là bí quyết của nhiều quốc gia phát triển, có tiềm lực về khoa học kỹ thuật chẳng hạn như công nghệ luyện kim - cơ khí chính xác, thiết kế khí động học, tích hợp động cơ, hệ thống điều khiển và vũ khí, thử nghiệm trên địa hình, nhiệt đới hóa,...
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nhu cầu về xe bọc thép hạng trung và hạng nhẹ của Việt Nam là khá lớn do vậy để tự chủ được nguồn cung cần phải có quyết tâm và đầu tư rất lớn. Muốn làm được điều này đối với CNQP Việt Nam không hề dễ dàng, cần phải có những bước đi phù hợp từ thấp lên cao.
"Sự lì lợm" của siêu xe bọc thép KAMAZ-63968
Để làm quen với công nghệ chế tạo xe bọc thép quân sự, trước mắt có lẽ lựa chọn nhập khẩu công nghệ sản xuất lắp ráp xe vận tải quân sự là thích hợp nhất vì có nhiều nước sẵn sàng chuyển giao và trình độ công nghệ không quá cao để Việt Nam có thể hấp thụ. Lựa chọn này có 2 cái lợi:
Thứ nhất, cung cấp cho QĐ Việt Nam hàng chục nghìn xe mới, đáp ứng được nhu cầu cả trước mắt và lâu dài để thay thế nhiều xe cũ, đồng thời hiện đại hóa lực lượng vận tải quân sự và cung cấp một lượng lớn xe làm khung gầm cho các loại vũ khí cơ động cao mà Quân đội ta rất cần trong tương lai.
Thứ hai, nếu phát triển tốt, thậm chí có thể chiếm lĩnh thị phần xe tải dân dụng, vừa khấu hao máy móc, vừa tích lũy nguồn lực cả về vốn, công nghệ và kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao cho các giai đoạn tiếp theo.
Sau khi làm chủ được công nghệ cơ bản sẽ tạo đà để tiếp tục thực hiện giai đoạn chế tạo, sản xuất xe bọc thép hạng nhẹ rồi vươn dần lên các loại xe bọc thép hạng trung và hạng nặng, thậm chí cả xe tăng chiến đấu chủ lực.
Vẫn biết để chế tạo được xe bọc thép chứ chưa nói đến xe tăng là một hành trình hết sức gian nan, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm của CNQP Việt Nam trong lĩnh vực này chưa có nhiều nổi bật. Tuy nhiên, nếu không bắt tay vào ngay từ bây giờ, có lẽ "nhập khẩu" sẽ vẫn là điệp khúc còn phải tiếp diễn lâu dài.