Việt Nam - Trung Quốc vừa có thêm Nghị định thư trong lĩnh vực chiến lược trăm tỷ USD, đề cập nội dung gì?

Thái Hà |

Nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc được thống nhất trong Nghị định thư.

Nghị định thư hợp tác liên vận đường sắt Việt Nam – Trung Quốc

Ngày 12/12, Hội nghị đường sắt biên giới Việt – Trung lần thứ 44 đã kết thúc tốt đẹp sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và ông Dương Bân, Chủ tịch HĐQT Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục Nam Ninh Đường sắt Trung Quốc đã ký Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.

Ông Trần Thiện Cảnh cho biết, Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung được tổ chức luân phiên giữa đường sắt hai nước nhằm đàm phán, tháo gỡ và đi đến thống nhất những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung vào Nghị định thư đường sắt Việt - Trung hàng năm. 

Trên tinh thần hợp tác hữu nghị, những vấn đề liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã được các thành viên trong hai đoàn thống nhất.

Lễ ký Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44 - Ảnh: Tạ Hải

Việc thống nhất nhiều nội dung trong Nghị định thư liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ kịp thời giải quyết những phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi để thúc đẩy hàng hóa, hành khách liên vận quốc tế và khách du lịch giữa hai nước.

Hội nghị cũng thống nhất về công tác tổ chức vận tải, vận tải hành khách, hàng hóa, thiết bị thông tin, các vấn đề kĩ thuật khác… mang lại lợi ích về đường sắt của hai bên, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

"Cục Đường sắt Việt Nam đang được Bộ GTVT giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc nghiên cứu sửa đổi Hiệp định đường sắt biên giới ký năm 1992 với mục đích tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, hy vọng sẽ nhận được sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc trong quá trình trao đổi, đàm phán sửa đổi Hiệp định", ông Cảnh nhấn mạnh.

Ông Dương Bân, Chủ tịch HĐQT Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục Nam Ninh Đường sắt Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng: "Tôi tin rằng, dưới sự định hướng của lãnh đạo cao nhất hai nước, chúng ta chỉ cần nắm chặt cơ hội, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, ngành đường sắt hai bên chắc chắn sẽ góp phần lớn hơn vào việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội".

Việt Nam – Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đường sắt

Gần đây, ngày 11/12, trong khuôn khổ các hoạt động thuộc phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có buổi hội kiến với Tổng Cục trưởng Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc (CIDCA) La Chiếu Huy.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đã đề nghị Trung Quốc sớm phê duyệt viện trợ không hoàn lại nhằm hỗ trợ Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc (CIDCA) La Chiếu Huy. Nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao

Đối với hai tuyến đường sắt khác trong tương lai dự kiến kết nối với Trung Quốc, bao gồm Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Thứ trưởng Vũ đề xuất hai bên phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch.

Đáp lại, Tổng cục trưởng CIDCA La Chiếu Huy đánh giá cao các đề xuất hợp tác của phía Việt Nam và khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các nhận thức chung cấp cao giữa hai nước.

Liên quan đến các tuyến đường sắt, ông La Chiếu Huy cam kết Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ để giúp Việt Nam lập báo cáo khả thi cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời phối hợp triển khai quy hoạch hai tuyến Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành đường sắt và thúc đẩy triển khai các dự án liên quan.

Trước đó, chiều 10/12, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã trao Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về hợp tác xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).

Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định rằng lĩnh vực đường sắt là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Lĩnh vực cấp bách này ở Việt Nam dự kiến trị giá đến hàng trăm tỷ USD. Nhu cầu vốn cho phát triển giao thông đường sắt của Việt Nam từ nay đến năm 2045 là rất lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại