Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp Trung Quốc, một thành phố ven biển có sức hút mạnh

Minh Khôi |

Thành phố ven biển Hải Phòng của Việt Nam hiện thu hút nhiều nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc.

Việt Nam là lựa chọn hàng đầu

Mỗi khi mùa đơn hàng mới đến, Carl Ying lại "vò đầu".

Trong những năm gần đây, nhà xuất khẩu máy cạo râu điện này nhận thấy ít lượt mua hàng hơn từ các khách hàng có trụ sở ở Mỹ.

Nhưng vào cuối năm 2023, khi thảo luận về các chuyến hàng trong năm nay, càng rõ ràng, là một dấu hiệu đáng lo ngại.

"Họ bảo tôi nên ra ngoài - gợi ý về việc chuyển đến một quốc gia có chi phí thấp hơn", Ying nhớ lại.

Những cuộc thảo luận như thế này thường xảy ra với các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài với Mỹ và làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất sang các nền kinh tế có chi phí rẻ hơn như Việt Nam.

Ying đã cung cấp phần lớn sản phẩm của mình cho các tiệm cắt tóc và tiệm làm đẹp ở Mỹ trong nhiều năm thông qua hai nhà máy của ông ở Trung Quốc.

Trước đó, cả hai đã đồng ý chia sẻ chi phí từ mức thuế 10% do Washington áp đặt kể từ tháng 9/2018.

Nhưng nhiều người bạn doanh nhân của ông đã chuyển toàn bộ hoặc một phần dây chuyền sang Việt Nam. Thuế quan (từ Mỹ) đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận và đe dọa khiến họ phải rời bỏ hoạt động kinh doanh.

"Tôi có thể đến [Việt Nam] một ngày nào đó", Ying, người đã đến thăm Hải Phòng 2 lần vào năm ngoái, nói. Thành phố ven biển Việt Nam đã đón nhiều nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc.

Quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới chứng kiến lượng hàng xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2023 giảm 5,2% so với cùng kỳ, xuống còn 3,07 nghìn tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu giảm lần lượt là 13,8% và 11%.

Tác động đang lan rộng khắp các tỉnh ven biển Trung Quốc như Quảng Đông, Giang Tô và Chiết Giang.

Những khu vực này đang chứng kiến một số hoạt động sản xuất của họ di chuyển sang các nước như Việt Nam, do chi phí trong nước ngày càng tăng và căng thẳng trong quan hệ quốc tế đã trở thành những "yếu tố thúc đẩy" chính.

Việt Nam thường là lựa chọn hàng đầu khi các nhà sản xuất Trung Quốc cân nhắc việc chuyển dịch ra nước ngoài, bởi quốc gia ASEAN có dân số trong độ tuổi lao động cao và dễ dàng tiếp cận các thị trường phát triển hơn. Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

David Zweig, giáo sư danh dự của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết Việt Nam là một địa điểm quan trọng đối với các công ty muốn có chiến lược "Trung Quốc+1".

Yan Shaohua, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Fudan, cũng thừa nhận áp lực từ những khách hàng Mỹ, những người đang chuyển một số đơn đặt hàng ra khỏi Trung Quốc như một biện pháp ứng phó với chiến lược của Washington.

Ông cho rằng việc chuyển đến Việt Nam hoặc những nơi khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể trở thành điều không thể tránh khỏi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, các công ty Trung Quốc đã rót 2,92 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Thách thức cho các doanh nghiệp Trung Quốc

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang gặp một số thách thức. 

Chu Libin, giám đốc Công ty Máy móc và Công nghệ Tiansu ở tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc, cho biết mức lương hàng tháng của một công nhân lành nghề ở Hải Phòng là 1.000 nhân dân tệ (140 USD) vào năm 2018, năm mà tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại nhắm vào hàng hoá Trung Quốc. Nhưng con số đó đã tăng gấp 3 lần kể từ đó.

Giá thuê trung bình hàng ngày cho một nhà máy ở Hải Phòng dao động từ 1 nhân dân tệ - 1,5 nhân dân tệ mỗi mét vuông, gần tương đương với nhiều khu công nghiệp ở Chiết Giang và chưa tính chi phí vận chuyển hàng hóa trung gian từ Trung Quốc.

Đúng là xuất khẩu sang Mỹ dễ dàng hơn [từ Việt Nam] nhưng tình thế đã hoàn toàn khác so với 6 năm trước, ông Chu nói.

"Mọi thứ ngày càng đắt hơn", Chu nói.

Nhưng theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư Trung Quốc đánh giá là cửa ngõ ưa thích.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam vào cuối năm ngoái, chuyến đi đầu tiên của ông đến Việt Nam sau 6 năm cho thấy mong muốn chung của hai bên là làm sâu sắc thêm mối quan hệ.

"Cả hai nước sẽ khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp có thế mạnh, uy tín và công nghệ tiên tiến đầu tư và sẽ tạo ra một môi trường công bằng, thuận tiện", Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc viết.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Hà Hoàng Hợp, chuyên gia cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng Việt Nam cần thu hút các nhà sản xuất Trung Quốc vào nền kinh tế của mình.

Việt Nam là một kênh quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, một chiến lược trên phạm vi rộng nhằm xây dựng các mối liên kết cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực.

Nhiều tỉnh của Trung Quốc đã trợ cấp cho các doanh nghiệp địa phương, bao gồm cả những doanh nghiệp chuyên về hàng tiêu dùng, thiết bị gia dụng và pin mặt trời để khuyến khích mở rộng sang các nước tham gia.

Chiết Giang là một trong những khu vực như vậy. Theo bản tin từ cơ quan truyền thông nhà nước Chiết Giang Nhật báo, dẫn lời Oscar Liu của Powernice Intelligence Technology, nhà sản xuất tấm quang điện và linh kiện tế bào đang vận hành một nhà máy ở Việt Nam, tỉnh này hy vọng các khoản đầu tư ở nước ngoài sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế trong nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại