Việt Nam trở thành kiểu mẫu phục hồi hậu COVID-19: Có nhiều lợi thế nhưng nỗ lực này là chìa khóa

Minh Khôi |

Các lệnh trừng phạt thuế quan của Mỹ và chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách đã giúp Việt Nam tận dụng lợi thế.

Giáo sư Edmund Malesky, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Duke, Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ) đã có bài viết về mô hình phục hồi hậu COVID-19 của Việt Nam đăng trên Diễn đàn Đông Á.

Khi các thị trường mới nổi tìm cách phục hồi sau thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều nhà lãnh đạo đang tìm cách học tập mô hình của Việt Nam.

FDI đổ vào Việt Nam

Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể tự chúc mừng mình về thành tích kinh tế xuất sắc trong năm 2022. Việt Nam đã kết thúc năm 2022 với tư cách là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á, phần lớn là nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Những nỗ lực cải cách trước đây đã giúp Việt Nam tận dụng lợi thế của một bước ngoặt tình cờ trong chính trị quốc tế.

Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2022 vô cùng ấn tượng: ít nhất 11 công ty Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển đến Việt Nam, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để tăng sản lượng máy tính bảng và điện thoại thông minh; Lego mở một nhà máy trị giá 1 tỷ đô la tại tỉnh Bình Dương, cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego.

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại, chẳng hạn như Samsung và Intel, đã tăng cường và mở rộng hoạt động của họ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, có thêm 1.570 dự án mới trị giá 9,9 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,7% lên 58,3 tỷ USD.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Việt Nam đã tăng đều đặn theo thời gian và tăng nhanh hơn nữa vào năm 2018 khi các lệnh trừng phạt thuế quan của Mỹ làm tăng chi phí kinh doanh tại Trung Quốc.

Nhiều công ty đã sản xuất hầu hết hàng hóa của họ ở Trung Quốc trong khi chuyển hoạt động một số cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 40% trong quý đầu tiên của năm 2019 và tăng gần gấp đôi trong các lĩnh vực công nghệ, vốn là mục tiêu áp thuế của Mỹ.

Mức lương chi trả cho nhân công Việt Nam là một điểm thu hút khác khi chỉ bằng một nửa so với mức lương tương đương ở Trung Quốc vào năm 2019.

Kể từ năm 2020, dòng vốn FDI di chuyển khỏi Trung Quốc đã tăng tốc do chính sách Zero COVID-19.

Việt Nam đã cố gắng giảm thiểu đáng kể các đợt bùng phát COVID-19 thông qua các chiến lược phòng ngừa và tiêm chủng đồng thời duy trì sức sống kinh tế. Nikkei Asia xếp hạng Việt Nam trong top 10 quốc gia hàng đầu trên toàn thế giới về đối phó với COVID-19.

Nỗ lực chống tham nhũng

Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế tốt hơn mong đợi, được hỗ trợ bởi những nỗ lực cải cách của các nhà lãnh đạo.

Truyền thông quốc tế đã tập trung vào chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam. Bên cạnh đó, nỗ lực của chính phủ nhằm giảm tham nhũng vặt bằng cách hợp lý hóa các thủ tục hành chính và quy định. Những nỗ lực này đã làm giảm hối lộ.

Khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải trả các khoản phí không chính thức trong các giao dịch kinh doanh là phổ biến đã giảm từ 66% năm 2016 xuống còn 41% vào năm 2021, tỷ lệ công ty nước ngoài không phải trả bất kỳ chi phí không chính thức nào đạt 41,9%.

Một yếu tố chưa được nghiên cứu kỹ trong việc cắt giảm này là nỗ lực của chính phủ trong việc hợp lý hóa các thủ tục hành chính thông qua Chương trình Tổng thể Cải cách Hành chính và Kế hoạch Chuyển đổi Kỹ thuật số Quốc gia.

Các nỗ lực quản trị điện tử đã làm giảm tham nhũng, hạn chế nạn hối lộ.

Đầu tư vào công nhân và kỹ năng

Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng đã tập trung vào việc cải thiện nguồn nhân lực. Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 và Bộ luật Lao động năm 2019 đặc biệt nhấn mạnh cải thiện nguồn nhân lực. Mặc dù lương thấp và trình độ văn hóa cao thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng họ thường phàn nàn rằng người lao động thiếu các kỹ năng cụ thể và khó giữ chân người lao động có kỹ năng.

Theo khảo sát PCI 2021, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan hơn về khả năng cải thiện nguồn nhân lực trong tương lai khi đánh giá về giá trị của các chương trình đào tạo kỹ thuật và nghiệp vụ tại Việt Nam. Xếp hạng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng lao động địa phương đã được cải thiện đều đặn cho cả giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.

Mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng hấp thụ đầu tư cũng là một mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.

Trên thang điểm 6, đánh giá của nhà đầu tư đã tăng vọt so với năm 2017 và 2021 về chất lượng đường bộ (từ 3,72 lên 4,44), kết nối cảng với đường cao tốc (từ 4,02 lên 4,49) và kết nối đường sắt - đường cao tốc (từ 3,97 lên 4,41).

Có nhiều việc phải làm trong tất cả các lĩnh vực này. Tuy nhiên, câu chuyện thành công của Việt Nam sau COVID-19 cho thấy cách các quốc gia có thể xây dựng lợi thế thông qua nỗ lực cải thiện các yếu tố cốt lõi thúc đẩy năng suất của nhà đầu tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại