Việt Nam trải thảm đón “ông trùm vàng đen”, mời quốc gia BRICS mở hầu bao 620 tỷ đô ghi dấu kỷ lục

Vy Lam |

Với số vốn ước tính lên tới 620 tỷ USD, PIF đang nắm giữ cổ phần tại nhiều tập đoàn lớn như Softbank, Uber, Blackstone...

Việt Nam trải thảm đón “ông trùm vàng đen”, mời quốc gia BRICS mở hầu bao 620 tỷ đô ghi dấu kỷ lục - Ảnh 1.

Việt Nam đón 'ông trùm vàng đen' số 1 thế giới

Saudi Arabia - quốc gia thành viên mới của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) - là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Năm 2024 sẽ đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt giữa Việt Nam - Saudi Arabia thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.

Mới đây, theo tờ Arab News , hợp tác giữa hai nước sẽ được củng cố lên một nấc mới thông qua thỏa thuận tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại mới được Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia ký kết với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đây là thỏa thuận đạt được tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Saudi Arabia diễn ra vào sáng 19/10 tại Riyadh, với sự tham dự của 150 Bộ trưởng, quan chức, doanh nhân và đại diện doanh nghiệp hai nước.

Thỏa thuận hứa hẹn sẽ giúp các hoạt động và quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai phía được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, từ đó mở ra tiềm năng thiết lập các cột mốc kỷ lục mới trong kim ngạch thương mại song phương tương lai .

Saudi là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,64 tỷ USD vào năm 2022, tăng trưởng hơn 30% so với năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch hai nước đạt 2,05 tỷ USD.

Việt Nam trải thảm đón “ông trùm vàng đen”, mời quốc gia BRICS mở hầu bao 620 tỷ đô ghi dấu kỷ lục - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia Hassan Al Hwaiziy. Ảnh: SPA

Có mặt tại Riyadh trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tới dự Diễn đàn này.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng đã khuyến khích các doanh nghiệp Saudi Arabia đầu tư vào Việt Nam.

Theo Thủ tướng, trong thời gian qua, Việt Nam và Saudi Arabia đã phát triển rất tích cực trên nhiều phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế. Tuy nhiên, hiểu biết lẫn nhau giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước vẫn còn những hạn chế. Trên thực tế, dư địa hợp tác giữa hai bên còn nhiều, tiềm năng còn rất lớn.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Saudi Arabia để cùng nhau triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả, thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước.

"Việt Nam luôn sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư Saudi Arabia" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tháng trước, một phái đoàn doanh nghiệp cấp cao của Saudi Arabia cũng đã tới Việt Nam nhằm mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam trải thảm đón “ông trùm vàng đen”, mời quốc gia BRICS mở hầu bao 620 tỷ đô ghi dấu kỷ lục - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch Điều hành Aramco. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với ông Yasser M.Mufti, Phó Chủ tịch Điều hành Aramco - Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới với lợi nhuận kỷ lục đạt hơn 161 tỷ USD trong năm 2022 (tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021).

Ông Yasser M.Mufti cho biết, hiện Aramco hoạt động tích cực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng mới dừng ở việc cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp Việt Nam, chưa có dự án đầu tư trực tiếp. Do đó, tập đoàn muốn có cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong xây dựng nhà máy lọc hóa dầu mới .

Đầu tư vào lọc dầu và hóa dầu đang là ưu tiên hàng đầu của Aramco nhằm đảm bảo nhu cầu dài hạn cho sản phẩm chính của mình. Gần đây nhất, vào tháng 3 năm nay, tập đoàn này đã lên kế hoạch xây dựng một tổ hợp lọc và hóa dầu trị giá 10 tỷ USD ở Trung Quốc. Tổ hợp này sẽ có công suất 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày.

Để thực hiện kế hoạch đầu tư ở Việt Nam, Phó chủ tịch Aramco đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để tập đoàn mở rộng đầu tư, trước hết là cho phép đoàn kỹ thuật của họ vào Việt Nam khảo sát, tìm hiểu thị trường.

Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường, nhất là lĩnh vực hóa dầu. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn Aramco sẽ đầu tư vào các nhà máy lọc hóa dầu, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực lĩnh vực này.

Thủ tướng cũng đề nghị Aramco tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí tại Saudi Arabia, tìm các dự án lớn để cùng đầu tư.

Đề nghị quỹ đầu tư của Saudi Arabia mở rộng hoạt động

Cũng trong ngày 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp ông Yasir Al-Rumayyan, Thống đốc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF).

PIF là cơ quan đầu tư và giám sát việc triển khai các siêu dự án của Saudi Arabia. Với số vốn ước tính lên tới 620 tỷ USD, PIF hiện là 1 trong 10 quỹ đầu tư công lớn nhất thế giới và đang nắm giữ cổ phần tại nhiều tập đoàn lớn như Softbank, Uber, Blackstone....

Việt Nam trải thảm đón “ông trùm vàng đen”, mời quốc gia BRICS mở hầu bao 620 tỷ đô ghi dấu kỷ lục - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yasir Al-Rumayyan, Thống đốc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Trên tinh thần tạo đột phá cho hợp tác về đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Thủ tướng đã đề nghị PIF mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư dưới các hình thức trực tiếp, gián tiếp, hợp tác nhiều bên... vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên.

Đáng chú ý trong số các lĩnh vực được Thủ tướng đề cập có lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ cao, lĩnh vực hạ tầng giao thông như đường sắt, đường kết nối liên vùng, đô thị.

Thủ tướng cũng đề nghị ông Yasir Al- Rumayyan và Ban Lãnh đạo PIF trao đổi cụ thể với các đối tác Việt Nam về khả năng hợp tác đầu tư; góp ý xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, hai phía có thể nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư chung để thực hiện các dự án đầu tư tại mỗi nước. Trước đó, mô hình hợp tác này đã được Việt Nam triển khai thành công với Oman, và được Saudi Arabia áp dụng với một số đối tác khác trên thế giới.

Hiện tại, về đầu tư, lũy kế tới tháng 9/2023, Saudi Arabia đang có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 8,27 triệu USD, đứng thứ 79/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại