Thông tin này được ông Phạm Trọng Nhân, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 31/10 về tình hình kinh tế - xã hội.
Theo ông Nhân, 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giúp cho Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào. Do đó, lợi nhuận từ con số này là vô cùng thấp.
“Dù có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó cũng không đáng là bao, thậm chí là bằng 0 khi bị báo cáo lỗ,” Đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.
“80% còn lại dĩ nhiên sẽ được các doanh nghiệp FDI chuyển về chính quốc. Số 20% thu được từ đây cùng các khoản thu khác đang phải gồng gánh cho gần 70% chi thường xuyên của ngân sách. Con số ít ỏi còn lại không đủ chi cho đầu tư và trả nợ”.
Sự phụ thuộc tăng trưởng GDP vào khu vực FDI, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khiến cho nền kinh tế đang vướng trong "bẫy" thu nhập trung bình. Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ còn bị giữ chặt trong một thời gian dài trong cái "bẫy" thu nhập trung bình này.
“Nguyên nhân chính theo tôi xuất phát từ đây (doanh nghiệp FDI chuyển giá – PV). Đó cũng là câu lý giải vì sao nền kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập quốc gia và hiệu quả mang lại cho nền kinh tế không cao”.
Một trong những mục tiêu thu hút đầu tư là nhằm hấp thụ và nhận chuyển giao công nghệ. Thế nhưng ông Nhân đưa ra con số thống kê, 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, và chỉ có 5 - 6% là công nghệ cao.
Tuy mang tiếng là công nghệ cao, nhưng thực chất các công đoạn được thực hiện tại Việt Nam đa phần là khâu lắp ráp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.
Do đó, câu chuyện Việt Nam từ vị trí thứ 57 trên toàn cầu về tiêu chí hiệu quả và chuyển giao công nghệ tụt xuống vị trí 103 năm 2014, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với Malaysia thứ 13, Thái Lan 36, Indonesia 39 và Campuchia 44 là điều không quá ngạc nhiên.
"Việc gánh vác vai trò làm động lực chính cho nền kinh tế còn khó khăn. Vừa bị thất thu thuế, những công nghệ lạc hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhân công rẻ, thiếu công bằng trong ưu đãi đầu tư.
Cuối cùng là hệ lụy môi trường, những điều này có công bằng cho đất nước và nhân dân. Đã đến lúc chúng ta bình tâm suy xét trước khi quá muộn".
Ông Nhân nói, ông ủng hộ Chính phủ với việc không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam và cho rằng doanh nghiệp FDI cần có cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa, trên hết phải ưu tiên những lĩnh vực phù hợp với mục tiêu của đề án cơ cấu lại nền kinh tế.
Đó là những điều cần phải có trên bàn đàm phán khi gọi mời đầu tư.
Ông Phạm Trọng Nhân kết thúc phần phát biểu ý kiến của mình: “Liệu chúng ta có rời được vai những gã khổng lồ để tự sớm đứng trên đôi chân của mình hay không là một câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta ít nhiều đều có trách nhiệm trả lời”.