Các trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trong năm 2019 đã khép lại. Phải tới tháng Ba năm 2020, các trận đấu mới tiếp tục khởi tranh. Bên cạnh những cuộc đua cực kỳ khốc liệt giữa các đội tuyển thì một "cuộc đua" khác cũng thú vị không kém, đó là chỉ số thống kê về lượng CĐV tới sân ở mỗi bảng đấu và mỗi quốc gia.
Theo số liệu thống kê từ AFC, bảng G, nơi có sự góp mặt của tuyển Việt Nam là bảng đấu thu hút lượng CĐV tới sân lớn nhất trong tổng số 8 bảng đấu thuộc vòng loại World Cup khu vực châu Á, tính tới thời điểm hiện tại.
Tính tổng tất cả các trận đấu đã được diễn ra ở bảng G (gồm UAE, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) thu hút tới 390.003 CĐV. Con số này là "vô đối" ở châu Á và bỏ cách khá xa vị trí thứ hai, thuộc về bảng C (Iran, Iraq, Bahrain, Hồng Kông, Campuchia) với tổng là 256.878 CĐV.
Bảng G là bảng đấu thu hút lượng CĐV tới sân lớn nhất ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Trong khi đó, bảng E (Qatar, Oman, Ấn Độ, Bangladesh, Afghanistan) xếp thứ ba về lượng CĐV với 227.345 CĐV. Tiếp theo là bảng F (Nhật Bản, Tajikistan, Kyrgyzstan, Myanmar, Mông Cổ) với 184.908 CĐV.
Nếu tính riêng theo từng quốc gia thì cả ba vị trí đầu tiên đều thuộc về các nước ở khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Malaysia dẫn đầu châu lục (tới thời điểm hiện tại) với 157.607 CĐV sau tổng cộng 3 trận trên sân nhà. Xếp nhì là Campuchia với 138.752 CĐV sau 3 trận sân nhà. Việt Nam đứng thứ ba với 116.135 người (3 trận sân nhà).
Việt Nam xếp thứ ba ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á nếu tính theo quốc gia thu hút lượng CĐV tới sân đông nhất.
Nếu tính theo từng trận đấu thì cuộc thư hùng giữa Malaysia gặp Indonesia ở Bukit Jalil (19/11/2019) đứng đầu về lượng CĐV tại vòng loại World Cup khu vực châu Á với 75.044 CĐV.
Xếp thứ hai cũng là cuộc thư hùng giữa Indonesia vs Malaysia (ở Bung Karno) ngày 5/9 với 54.659. Trong khi đó, trận đấu giữa Việt Nam vs Thái Lan trên sân Mỹ Đình tối 19/11 xếp thứ chín với tròn 40.000 CĐV.