Ảnh minh họa
Ngày nay trên thế giới có khoảng 40 nước trồng chè, tương đương khoảng 15% khu vực trên thế giới. Cây chè được trồng chủ yếu ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, bởi vậy cây chè tập trung nhiều nhất ở châu Á với 8 quốc gia nằm trong top các nước sản xuất chè trên thế giới, trong đó Việt Nam.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 10 đạt 12.023 tấn với trị giá thu về hơn 22 triệu USD, tăng 8,8% về lượng và tăng 16,6% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu ‘vàng xanh’ đã thu về cho nước ra hơn 162 triệu USD với 93.984 tấn, giảm 22,5% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.732 USD/tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Tháng 10 cũng là tháng ghi nhận giá chè xuất khẩu tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay với 1.834 USD/tấn.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123.000 ha, năng suất bình quân đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về sản lượng và xuất khẩu chè xanh.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Về các thị trường, Pakistan là quốc gia nhập khẩu chè Việt Nam nhiều nhất. Cụ thể trong 10 tháng đầu năm, Pakistan nhập từ Việt Nam 35.502 tấn chè với trị giá hơn 68 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 16% về trị giá. Giá xuất khẩu đạt 1.934 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ.
Đài Loan (TQ) là thị trường lớn thứ 2 của chè Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm, nước ta xuất sang thị trường này 12.101 tấn chè và thu về hơn 20 triệu USD, giảm 8% cả về lượng. Giá xuất khẩu đạt 1.658 USD/tấn, giảm nhẹ 2%.
Xếp thứ 3 là thị trường Nga, quốc gia này nhập khẩu 5.448 tấn chè từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với trị giá hơn 9 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 1.717 USD/tấn, tăng 1% so với cùng kỳ.
Tại Việt Nam, cây chè đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân. Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước, tiếp đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4%. Một số địa phương có diện tích chè lớn phải kể đến Thái Nguyên,Hà Giang, Phú Thọ, Lâm Đồng,…
Tổng giá trị sản phẩm chè năm 2022 ước tính 12.600 tỷ đồng, tương đương với 552 triệu USD. Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD. Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè so với các quốc gia khác khi có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, triển vọng xuất khẩu chè những tháng cuối năm 2023 chưa có tín hiệu tích cực, khi nhu cầu tiêu thụ chè tại các quốc gia bị hạn chế trước sức ép của lạm phát. Đối với thị trường lớn nhất của chè Việt là Pakistan, tình trạng thiếu ngoại tệ của quốc gia này khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước này không thể mua được ngoại tệ để thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu.