Ảnh minh họa
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 11 đạt 340 tấn với kim ngạch đạt 1,04 triệu USD, tăng 39,2% so với tháng 10/2023. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của ớt Việt Nam trong tháng 11 – chiếm 79,3% sản lượng. Lũy kế 11 tháng đầu năm, nước ta thu về từ quả ớt hơn 18,6 triệu USD với 9.548 tấn, tăng mạnh 119,1%. Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính của ớt Việt Nam kể từ đầu năm với lần lượt 8.230 tấn và 932 tấn, tương đương 86,2% và 9,8%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu ớt chủ yếu của nước ta là NS Thái Bình, Khánh Hưng HG, Đông Chấn và Phúc Thịnh Hà Giang.
Nguồn: Số liệu thống kê từ VPA
Ớt là một loại quả của các cây thuộc chi Capsicum của họ Cà (Solanaceae). Đây là một loại quả gia vị cũng như loại quả làm rau (ớt Đà Lạt) phổ biển trên thế giới, được sử dụng dưới dạng quả tươi, quả khô, quả hun khói, bột ớt, ớt tương ớt, snack...Có nguồn gốc từ châu Mỹ, ngày nay ớt được trồng khắp nơi trên thế giới và được sử dụng làm gia vị, rau, và thuốc.
Tại Việt Nam, người nông dân ví cây ớt là loại cây ‘một vốn mười lời’ vì ớt có đặc điểm là cây ngắn ngày, có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc nên phù hợp với điều kiện canh tác của người nông dân trên khắp cả nước. Thông thường, ớt sẽ được xuống giống cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trong khoảng 3 tháng, chất lượng quả cao nhất với trọng lượng lý tưởng có thể lên đến 4 kg mỗi cây.
Trung bình, mỗi sào trồng ớt sẽ cho thu hoạch trên 1 tấn quả/năm, đạt lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng với giá thu hoạch ở mức 8.000 -12.000 đồng/kg. Đối với những vụ mùa được giá lên tới khoảng 30.000 đồng/kg, người dân có thể ‘bỏ túi’ từ 50 – 60 triệu đồng mỗi sào.
Đồng Tháp và đặc biệt là ở huyện Thanh Bình là một trong những ‘thủ phủ’ ớt của Việt Nam. Theo thống kê, diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 2.000 ha/năm, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha. Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông Tiền là những khu vực tập trung nhiều diện tích trồng ớt và đạt hiệu quả của huyện Thanh Bình với sản lượng ớt tươi hơn 22.500 tấn/năm.
Lạng Sơn cũng là một trong những vùng trồng ớt trọng điểm của nước ta với diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.479ha trong năm 2023. Trên thế giới, châu Á hiện là khu vực sản xuất ớt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu. Thương mại ớt toàn cầu trị giá khoảng 35 tỷ USD mỗi năm, không kém các mặt hàng tiêu dùng chủ lực trên thế giới cà phê hoặc trà.
Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4.904 tấn ớt với kim ngạch đạt 11,9 triệu USD. Như vậy có thể thấy kim ngạch xuất khẩu ớt trong 11 tháng đã vượt xa cả năm 2022. Trên thế giới, Trung Quốc hiện là quốc gia đi đầu trong cả sản xuất và thương mại ớt tươi. Diện tích trồng ớt của Trung Quốc là hơn 1,3 triệu ha, chiếm 35% tổng diện tích trồng của thế giới. Mỗi năm, quốc gia này xuất khẩu khoảng 70.000 tấn ớt bột và ớt khô, sang các thị trường như: Tây Ban Nha, Mexico, Mỹ và các nước trong khu vực Đông Nam Á….
Ngoài làm gia vị, nhờ tính chất cay nóng mà ớt được sử dụng như một vị thuốc giảm đau giúp hỗ trợ tiêu hóa, làm ăn ngon, chóng tiêu. Trong y học cổ truyền dân gian Việt Nam ớt thường dùng để chữa bệnh đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, đau khớp, dùng ngoài chữa rắn rết cắn.