"Đi bộ thì khiếp Hải Vân. Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi", đây là câu nói khiến nhiều người dân không khỏi rùng mình khi đi qua tuyến quốc lộ 1A khu vực miền Trung. Qua dãy núi hiểm trở cắt ngang đất nước từ biên giới phía Tây đến tận sát bờ biển Đông - đó là đèo Hải Vân. Nơi được mệnh danh là "Đệ nhất hùng quan".
Là ranh giới tự nhiên giữa Thừa Thiên - Huế và TP Đà Năng, có chiều dài hơn 21km. Đèo Hải Vân nối Đà Nẵng với Thừa Thiên Huế là nỗi ám ảnh cánh tài xế đường dài và người dân, mỗi khi đi qua miền Trung những năm thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước. Cung đường đèo dài 22 km với độ dốc lớn, đường cua nhỏ thường xuyên xảy ra tai nạn và ách tắc giao thông, dù lưu lượng mới chỉ 1.000 phương tiện/ngày.
Thế nhưng bắt đầu từ ngày 5-6-2005, câu ca ấy đã vĩnh viễn trở thành quá khứ sau hơn 1.600 ngày đêm nằm sương đội gió. Công trình hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành và đưa vào hoạt động, bỏ lại sau lưng hơn 21km đường đèo quanh co nguy hiểm.
Các nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường hầm đã được thực hiện từ năm 1996, và đến đầu năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 250 triệu USD từ nguồn vốn vay của của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một phần đối ứng của Nhà nước.
Công trình bước ngoặt
Ngày 27/8/2000, hầm Hải Vân được Thủ tướng nhấn nút phát lệnh khởi công. Hầm chính được thiết kế dài gần 6,3 km; rộng 11,9 m; cao 7,5 m; tĩnh không thông xe 4,95 m. Mặt đường có 2 làn xe, bề rộng mỗi làn 3,75 m. Đường dành cho người bảo dưỡng rộng 1 m. Dọc hầm có 18 điểm mở rộng để đỗ xe khẩn cấp.
Miệng hầm phía nam đèo (thuộc địa phận Đà Nẵng) do liên danh Công ty Xây dựng Dong Ah (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà (Bô Xây dựng) thi công; phía bắc (Thừa Thiên Huế) do liên danh nhà thầu Hazama (Nhật Bản) và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6, Bộ Giao thông vận tải), đảm nhận.
Họ làm việc ba ca luân phiên suốt 24h. Mỗi ngày, bình quân 12 m đá được đào ở cả hai miệng hầm. Bất kể trời nóng như nung của mùa hè hay rét cắt da của mùa đông, những kỹ sư và công nhân vẫn lầm lũi tiến vào lòng đất. Lúc cao điểm, công trình có hơn 1.000 người làm việc, nhưng "mọi việc diễn ra trong lòng đất" nên nhìn từ bên ngoài thì chỉ lác đác vài nhóm người.
Công việc đang đi vào đường găng tiến độ thì 5 tháng sau ngày khởi công, bất ngờ xuất hiện sự cố đầu tiên: sạt lở đoạn đầu đường hầm phía Nam, một tảng đá mồ côi nặng hơn 20 tấn cùng với hơn 600m3 đất đá rơi xuống lòng hầm, tạo một lỗ hổng dài 6m trên nóc hầm chính. Chỗ đất lún sụt tạo thành hang hình ống thông lên mái dốc có đường kính rộng khoảng 3m, hang lún sụt rộng trên 100m². Một xe phun bê tông chuyên dụng đã bị tống ra khỏi cửa hầm, may mắn không công nhân nào thiệt mạng.
Các chuyên gia nước ngoài, do không tin khả năng xử lý nền đất yếu của Tổng Công ty Sông Đà nên chủ đầu tư Việt Nam buộc phải thuê Công ty Kend Tunneling Hồng Công khắc phục với giá 1 triệu USD.
Sau hơn 1 tuần triển khai, Công ty Kend Tunneling đã chào thua và tức tốc rút. Sau đó, Tổng Công ty Sông Đà vào cuộc và khắc phục thành công sự cố chỉ với 300.000 USD và 12 tỷ đồng tiền vật liệu, tiết kiệm hơn 1/3 chi phí dự kiến.
Sự cố thứ hai xảy ra hồi tháng 3/2001, khi thi công hầm thông gió ở phía bắc hầm. Cửa hầm được đào xiên từ trên núi xuống, nước chảy không thoát được, gặp khe bị nứt đã đổ ào xuống, làm sụp hầm. Công trường miệng hầm phía nam bị gián đoạn chờ khắc phục sự cố.
Đây được coi là nơi các kỹ sư Việt Nam lần đầu tiên tiếp cận và áp dụng công nghệ thi công NATM (New Austrian Tunneling Method) - công nghệ đào hầm hiện đại từ Áo. Công nghệ này sử dụng phương pháp khoan nổ kết hợp với bê tông phun và neo, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả thi công.
Sau hơn 36 tháng thi công, vào ngày 30/10/2003, hầm đường bộ Hải Vân được thông hầm với độ chính xác cao, chỉ lệch 2,5 cm, thấp hơn nhiều so với chỉ số sai số cho phép là 10cm.
Ngày 5/6/2005, hầm Hải Vân được khánh thành, trở thành hầm đường bộ lớn nhất được xây dựng tại Việt Nam, dài nhất Đông Nam Á và là một trong 30 hầm lớn, hiện đại nhất thế giới. Dự án đã giúp kích cầu, tạo động lực về phát triển kinh tế xã hội. Những kỹ sư Việt Nam cũng đầu tiên đã ghi dấu vào một thời kỳ "khai sơn phá thạch".
Hàng triệu lượt xe qua hầm an toàn
Đến nay, đèo Hải Vân không còn là nỗi ám ảnh đối với mỗi tài xế lái xe trên hành trình Bắc - Nam. Oto qua cung đường này giờ cũng chỉ còn hơn 10km (kể cả đường dẫn), rút ngắn 1/3 quãng đường và 1/5 thời gian so với đi đường đèo. Tiết kiệm thời gian di chuyển từ 45 phút đường đèo xuống chỉ còn 6 phút, giảm tiêu hao nhiên liệu và hư hỏng phương tiện. Quan trọng hơn đó là giải quyết triệt để những “điểm đen” giao thông nguy hiểm, dễ ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân
Toàn tuyến công trình dài 12,047km với hầm chính dài 6.280m, rộng 10m, cao 7,5m và có 2 làn xe. Hầm cứu nạn chạy song song với hầm chính, dài tương tự, rộng 4,7m và được kết nối với nhau bằng các hầm ngang để thoát hiểm khi cần thiết. Đây là hầm đường bộ dài nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á và là một trong 30 đường hầm dài nhất trên thế giới.
Theo thống kê, bình quân mỗi ngày đêm có khoảng 6.500 lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân; những ngày Lễ, Tết con số đó có thời điểm tăng gấp đôi.
Ngoài ra, Đèo Hải Vân đã trở thành điểm đến thu hút nhiều tour tham quan. Với độ cao gần 500 m so với mực nước biển, một bên là dãy núi dựng đứng, một bên là bờ biển bao la, đèo Hải Vân có vẻ đẹp mê hoặc các du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Không chỉ nổi bật về thiên nhiên kỳ vĩ, đèo Hải Vân còn đánh dấu sự giao thoa trong lịch sử giữa hai miền Bắc – Nam của Tổ quốc, trong đó nổi bật nhất là Di tích Quốc gia Hải Vân Quan. Nằm ở đỉnh đèo Hải Vân, ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, Hải Vân Quan từng là điểm kiểm soát giao thương và phòng thủ quan trọng qua các thời kỳ phong kiến.