Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 11 đạt 268.916 tấn với trị giá thu về hơn 134 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% về lượng nhưng giảm 1,3% về trị giá so với tháng 10/2023. Tính chung 11 tháng đầu năm, củ sắn chính thức gia nhập ‘kho vàng’ tỷ USD khi mang về hơn 1,16 tỷ USD với hơn 2,6 triệu tấn, tuy nhiên giảm 6,8% về lượng và 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu đạt bình quân đạt 436 USD/tấn, tương đương với giá năm 2022.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Sắn luôn là mặt hàng được Trung Quốc săn lùng không chỉ trong năm 2023 mà còn nhiều năm về trước. Nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ Trung Quốc ở mức cao là do thị trường này tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành công nghiệp năng lượng và thức ăn chăn nuôi cũng chuyển sang nhập khẩu các sản phẩm từ sắn để thay thế, dẫn đến tăng nhu cầu đối với sắn.
Trong 11 tháng đầu năm, nước ta xuất sang Trung Quốc hơn 2,4 triệu tấn sắn và thu về 1,054 tỷ USD, giảm 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên tỷ trọng của Trung Quốc lại chiếm đến 90,7% sản lượng xuất khẩu sắn của Việt Nam. Thái Lan, Việt Nam, Lào là 3 thị trường cung cấp sắn cho Trung Quốc.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Sắn hay còn được gọi là khoai mì là loại lương thực phổ biến thường gặp ở vùng nông thôn và miền núi nước ta. Cây sắn có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ La Tinh và được trồng cách đây khoảng 5.000 năm. Sau đó được du nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ XVIII. Hiện tại, sắn được trồng trên 100 nước của vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và là nguồn thực phẩm của hơn 500 triệu người. Năm 2006 và 2007, sản lượng sắn thế giới đạt 226,34 triệu tấn củ tươi.
Trong 10 năm gần đây, tốc độ phát triển ngành sắn của Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về sắn (xếp theo kim ngạch), chỉ sau Thái Lan.
Hiện nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ sắn tươi/năm. Sắn được trồng tập trung chủ yếu tại 5 vùng chính gồm: Trung du miền núi phía bắc, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Cũng trong 11 tháng đầu năm, bên cạnh thị trường Trung Quốc, nước ta còn xuất khẩu mặt hàng này sang các quốc gia khác như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Philippines,…tuy nhiên tỷ trọng chỉ ở mức thấp.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, tính đến thời điểm đầu tháng 12/2023, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc ổn định so với cuối tháng trước, hiện giá thu mua dao động ở mức 2.350-2.450 đồng/kg. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.450-2.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng trước.
Theo tính toán của người trồng sắn, chi phí đầu tư cho 1ha sắn từ 20-30 triệu đồng, với giá từ 2.500 – 3.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí nông dân còn lợi nhuận từ 35-45 triệu đồng/ha.