Việt Nam sở hữu "cây tỷ đô" được Ấn Độ liên tục đổ tiền mua: Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, bỏ túi hơn 12 tỷ USD trong 11 tháng

Khánh Vy |

Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu Đông Nam Á và thứ 7 trên thế giới mặt hàng này.

Việt Nam sở hữu cây tỷ đô được Ấn Độ liên tục đổ tiền mua: Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, bỏ túi hơn 12 tỷ USD trong 11 tháng - Ảnh 1.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,22 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 3,4% so với tháng 11/2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 867,9 triệu USD, giảm nhẹ 0,6% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 13% so với tháng 11/2022.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,1 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực hơn, hàng tồn kho tại các thị trường chính có xu hướng giảm.

Về thị trường, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ dẫn đầu đạt 6,6 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,55 tỷ USD, giảm 22,2%; Nhật Bản đạt 1,52 tỷ USD, giảm 11,5%; Hàn Quốc đạt 718 triệu USD, giảm 22,4%; Ca-na-đa đạt 183,4 triệu USD, giảm 16,8%...

Việt Nam sở hữu cây tỷ đô được Ấn Độ liên tục đổ tiền mua: Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, bỏ túi hơn 12 tỷ USD trong 11 tháng - Ảnh 2.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ phục hồi góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm, bởi trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 54,1% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng này tới thị trường Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh từ đầu năm.

Cụ thể, trong tháng 11/2023, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt hơn 14,2 triệu USD, tăng 326,6% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 107,1 triệu USD, tăng 287,3% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đều qua các tháng.

Dù tăng đột biến nhưng Ấn Độ chỉ chiếm 0,9% tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023. Con số này đã tăng đáng kể so với 0,2% của năm 2022.

Việt Nam sở hữu cây tỷ đô được Ấn Độ liên tục đổ tiền mua: Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, bỏ túi hơn 12 tỷ USD trong 11 tháng - Ảnh 3.

Với dân số trên 1,4 tỷ người, ngành nội thất và thiết kế của Ấn Độ đang bùng nổ do thị trường bất động sản đang phát triển, dân số ngày càng tăng, mức thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa. Với tổng quy mô thị trường là 41 tỷ USD, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ đồ nội thất lớn thứ 4 thế giới.

Doanh số bán nhà tại Ấn Độ tài khóa 2022 - 2023 cao hơn 36% so với tài khóa trước đó. Trong khi đó, ngành khách sạn cũng tăng trưởng mạnh, dự kiến bổ sung thêm 12.000 phòng trong năm tới và thu hút khoảng 2,3 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2028.

Là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ, tuy nhiên, tại thị trường Ấn Độ thị hiếu tiêu dùng khác với châu Âu và Hoa Kỳ. Sản phẩm sử dụng là hàng “may đo” và không phù hợp với sản xuất của Việt Nam. Chỉ có giới trẻ hiện nay tại Ấn Độ mới sử dụng các mặt hàng giống như các nước phương Tây, tuy nhiên, tỷ lệ này chưa nhiều.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và là nhà xuất khẩu gỗ lớn thứ 7 trên thế giới.

Chất lượng của các sản phẩm gỗ Việt Nam luôn được cải thiện và cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh hơn do chi phí lao động thấp hơn, thuế thấp hơn và được ưu đãi mức thuế nhất định khi xuất khẩu…

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 20 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại