Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt chiều 30-11 đã đồng chủ trì buổi làm việc giữa hai bộ nhằm tăng cường phối hợp trong công tác quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, các y bác sĩ trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong chẩn đoán, điều trị, sản xuất vắc-xin, thuốc, dược liệu.
Trong chẩn đoán và điều trị, về cơ bản đã tiếp thu, làm chủ và triển khai đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới trong nhiều chuyên khoa, được ghi nhận qua các giải thưởng lớn trong nước, như các cụm công trình đoạt giải thưởng HCM; nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước bảo đảm cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng với 11/12 loại vắc-xin.
Hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận; làm chủ được các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh.
Cùng đó Việt Nam đã tiếp nhận và làm chủ được một số công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền; đạt được một số kết quả ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm. Việt Nam đã bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như máy siêu âm, X-quang, laze, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa.
Thông tin về tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất vắc-xin, GS-TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế, cho biết Việt Nam là một trong các quốc gia được WHO lựa chọn chuyển giao và tiếp nhận công nghệ mRNA sản xuất vắc-xin. Tuần tới, đoàn chuyên gia của WHO sẽ đến Việt Nam làm việc để trao đổi về các vấn đề liên quan.
Công nghệ mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn, giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.
Tại buổi làm việc, các nhà khoa học bày tỏ mong được đầu tư cho các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3. Hiện, 2/3 phòng xét nghiệm này thuộc hai đơn vị nghiên cứu của Bộ Y tế nhưng vừa qua, đầu tư duy trì và phát huy hiệu quả còn hạn chế. Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm sinh học cấp độ 4, là thiệt thòi cho nhà khoa học trong triển khai nghiên cứu đòi hỏi các điều kiện ngặt nghèo, trong khi y tế có nhiều lĩnh vực cần thực hiện như dược, vắc-xin.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y tế thời gian qua. Đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia ngành y tế đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Việc ngành y tế làm chủ công nghệ vắc-xin góp phần đảm bảo an ninh vắc-xin, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong các đại dịch.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế sẽ có các phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong tháo gỡ vướng mắc, cũng như đề xuất các cơ chế để phê duyệt, triển khai các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế; trong việc xây dựng thể chế, chính sách về khoa học công nghệ lĩnh vực y tế và các nội dung cần có ý kiến của hai bên...