Năm 2009, BBC đưa tin, từ năm 2000, Ấn Độ đã hứa sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa Prithvi và BrahMos cho Việt Nam.
Mặc dù có tín hiệu tích cực từ phía đối tác Nam Á nhưng việc chuyển giao tên lửa Prithvi cho Việt Nam vẫn chưa diễn ra. Nguyên nhân có thể là do bộ máy hành chính phức tạp của Ấn Độ, hoặc giống như trường hợp BrahMos, Prithvi phải ưu tiên trang bị đầy đủ cho quân đội nước này trước khi giao cho đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên gần đây đã có một số diễn biến rất đáng chú ý, đầu tiên Ấn Độ cho biết đã sẵn sàng bán BrahMos, thêm vào đó Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Manohar Parrikar thông báo sẽ chuyển giao công nghệ tên lửa cho Việt Nam theo các giai đoạn, đảm bảo cho tới lúc Việt Nam có thể tự sản xuất được tên lửa trong nước.
Tất cả những điều trên làm xuất hiện nhận định, phải chăng loại tên lửa mà Delhi sắp trợ giúp Hà Nội chế tạo chính là Prithvi?
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi II của Ấn Độ
Prithvi là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, sản phẩm của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), nằm trong Chương trình phát triển tên lửa dẫn hướng tích hợp (IGMDP).
Phiên bản đầu tiên Prithvi I (SS-150) chính thức phục vụ trong biên chế Lục quân Ấn Độ từ năm 1994, nó có tầm bắn 150 km, mang theo đầu đạn nặng 1.000 kg, độ sai lệch mục tiêu nằm trong khoảng 10 - 50 m nhờ cơ chế dẫn đường quán tính.
Đến năm 2004, biến thể nâng cấp Prithvi II (SS-250) đã hoàn thành. Trong lần bắn thử hôm 22/12/2010, tầm hoạt động của Prithvi II đã vươn tới 350 km (đầu đạn thu nhỏ lại chỉ còn 500 kg), tên lửa được nâng cấp hệ thống dẫn hướng và bổ sung các biện pháp đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.
Thành viên mới nhất trong gia đình Prithvi là phiên bản hải quân Prithvi III (còn gọi là Dhanush, SS-350), loại tên lửa này có kích thước lớn nhất với trọng lượng phóng 5.600 kg (so với 4.400 kg của Prithvi I và 4.600 kg của Prithvi II)
Prithvi III mang được đầu đạn nặng 1.000 kg đi xa 350 km, tăng lên tới 600 km nếu giảm trọng lượng đầu đạn đi một nửa, hoặc đạt tầm bắn xa nhất 750 km khi mang phần chiến đấu nặng 250 kg.
Tên lửa đạn đạo Scud-B của Việt Nam. Ảnh: QPVN
Theo báo chí trong nước, hiện tại trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam có một lượng nhỏ tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Scud-B do Liên Xô viện trợ vào đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, các hệ thống này đã phục vụ hơn 30 năm và không phải không có những điểm yếu.
Do vậy, nếu được Ấn Độ trợ giúp về mặt kỹ thuật để chúng ta có thể tự sản xuất tên lửa Prithvi ngay trong nước thì dễ dàng dự đoán đây sẽ là vũ khí thế hệ mới, đảm nhiệm vai trò thay thế Scud-B sắp đi đến cuối hạn sử dụng.
Nếu những dự đoán trên trở thành hiện thực, nền công nghiệp quốc phòng nước nhà cũng được nâng lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng được thắt chặt để trở thành một hình mẫu cho thế giới.