Theo thông tin mới nhất từ trang Marine Traffic thì tàu vận tải Rolldock Star mang quốc tịch Hà Lan đã đưa tào hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ tư của Hải quân Việt Nam về tới cảng Cam Ranh để chính thức bàn giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam.
Khi tiếp nhận đủ 4 chiếc Gepard 3.9 cùng 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 nội địa thì hạm đội tàu mặt nước của chúng ta đã tạm thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn trước mắt.
Tuy nhiên khi xét về lâu dài thì ngành đóng tàu quân sự Việt Nam cần khẩn trương triển khai dự án đóng mới tàu hộ vệ tên lửa có lượng giãn nước trên 2.000 tấn để chủ động vươn xa, duy trì sự hiện diện dài ngày tại những vùng biển thuộc chủ quyền.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 của Việt Nam được trưng bày tại Triển lãm Vietship
Trước khi dự án đóng mới tàu "M" tức Molniya 1241.8 kết thúc, đã có rất nhiều kỳ vọng cho rằng sau này chúng ta có thể được Nga hỗ trợ công nghệ để tự chế tạo lớp khinh hạm Gepard 3.9 ngay tại Việt Nam.
Nhưng thực tế cho thấy người Nga không hề có ý định sẽ chuyển giao công nghệ và kỹ thuật cho Việt Nam đối với một lớp tàu hiện đại. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận thêm rằng thiết kế của Gepard 3.9 còn tồn tại mặt hạn chế khi vẫn dùng hình thức đóng tàu theo tổng đoạn chứ không phải module, dẫn tới tiến độ bị kéo dài.
Trong tình hình trước mắt, lựa chọn khả thi cho Việt Nam nên là lựa chọn một đối tác sẵn sàng cung cấp công nghệ đóng tàu tiên tiến cho chúng ta thì hơn là tiếp tục mua nguyên chiếc phiên bản nâng cấp của Gepard 3.9 hay thậm chí là tiến lên biến thể Derzky - Dự án 20386 tối tân hơn.
Tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 10514 của Hải quân Indonesia
Với những đặc điểm đã nêu ở trên, giải pháp tối ưu đối với Việt Nam có lẽ là hãy tái khởi động lại dự án SIGMA 9814.
Chiếc SIGMA 9814 có cấu hình module rất tiên tiến, vũ khí uy lực mạnh mẽ, đặc biệt là hệ thống điện tử tối tấn, giúp Việt Nam đa dạng hóa trang bị, tránh phụ thuộc nguồn cung duy nhất. Ngoài ra đối tác Damen luôn tỏ ý sẵn sàng trợ giúp công nghệ đóng tàu cho Việt Nam tương tự những gì họ đang làm đối với Hải quân Indonesia.
Ngoài công nghệ đóng tàu theo module, việc tích hợp vũ khí - trang bị điện tử có xuất xứ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau trên một nền tảng duy nhất dự đoán có khó khăn, nhưng Việt Nam có thể tìm tới sự trợ giúp của đối tác ngay trong khu vực Đông Nam Á chính là Indonesia, khi bạn đã đóng thành công và vũ trang đầy đủ cho phiên bản SIGMA 9113 hay SIGMA 10514.
Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Indonesia đang ngày càng được thắt chặt, bằng chứng là việc chúng ta sắp tiếp nhận máy bay NC-212i do nước bạn sản xuất, cho nên việc ký thêm hợp đồng trợ giúp kỹ thuật cho việc đảm bảo trang thiết bị trên tàu SIGMA 9814 là hoàn toàn khả thi.
Hy vọng rằng khi Triển lãm Vietship 2018 diễn ra tới đây thì dự án chế tạo tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 của Việt Nam sẽ chính thức được khởi động trở lại.
Tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 10514 PKR do Indonesia đóng trong nước dưới sự hỗ trợ kỹ thuật từ Damen, Hà Lan