Như đã từng đề cập trước đó, nếu xác định chính xác chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 bị rơi do gặp phải lỗi kỹ thuật (theo lời kể của phi công Nguyễn Hữu Cường là có tiếng nổ trong buồng lái), thì có khả năng Việt Nam sẽ được Nga "đền bù" một máy bay mới.
Tuy nhiên còn một viễn cảnh khác đó thực tiễn hơn, đó là Việt Nam sẽ đề nghị Nga bán lại một chiếc tiêm kích khác để thay thế cho máy bay đã mất nhằm kiện toàn biên chế cho Trung đoàn mới, vì công việc điều tra tai nạn không hề dễ dàng và rất khó hoàn thành trong thời gian ngắn.
Nhưng do dây chuyền sản xuất của KnAAPO đã ngừng hoạt động sau khi bàn giao đủ số lượng Su-30MK2 cho Không quân Việt Nam cũng như Su-30M2 cho Không quân và Hải quân Nga cho nên rất có thể Việt Nam sẽ đề nghị Nga nhượng lại một chiếc Su-30M2 phiên bản nội địa.
Tiêm kích Su-30M2 số hiệu 30 "Đỏ"
Hiện đang tồn tại hai luồng thông tin trái chiều về cấu hình của Su-30M2, trong đó phổ biến nhất là chiếc tiêm kích này được trang bị radar mảng pha quét thụ động N035 Irbis cùng động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP, khiến cho nó có sức mạnh không hề thua kém Su-35S.
Nhưng thực tế Nga chỉ dùng duy nhất một chiếc Su-30MK phiên bản thử nghiệm mang số hiệu 503 để nghiên cứu phát triển radar Irbis cho Su-35, họ không hề gắn loại radar này cho những máy bay Su-30M2 sản xuất đại trà.
Radar N035 Irbis được thử nghiệm trên chiếc Su-30MK số hiệu 503
Su-30M2 của Không quân cũng như Hải quân Nga được đánh giá có năng lực tác chiến chỉ ngang bằng Su-27SM3 do hai loại tiêm kích này có rất nhiều thành phần tương đồng.
Cụ thể, radar của Su-30M2 là loại N001VE-Pero - phiên bản nâng cấp từ N001VEP lắp đặt trên Su-30MK2, có thể điều khiển tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu trên không hoặc 4 mục tiêu mặt đất, tầm phát hiện máy bay cỡ lớn được tăng lên 190 km so với 150 km của N001VEP.
Động cơ của Su-27M2 là loại AL-31FM1 có lực đẩy 135 kN (so với 123 kN của AL-31F) cùng hệ thống điểu khiển bay tiên tiến, giúp Su-30M2 đạt hiệu suất hoạt động cao cũng như tin cậy hơn Su-30MK2 bản xuất khẩu.
Tiêm kích Su-30M2 số hiệu 43 "Xanh"
Như vậy, nếu giả thiết nêu ra ở đầu bài trở thành hiện thực và chúng ta nhận được một chiếc Su-30M2 phiên bản nội địa của Nga thì nó cũng chưa thể sánh bằng Su-35S, thậm chí còn thua kém cả Su-30SM.
Tuy vậy so với Su-30MK2 đang phục vụ trong Không quân Việt Nam thì Su-30M2 vẫn mạnh hơn nhiều, nó sẽ đảm nhiệm tốt vai trò máy bay chỉ huy cho biên đội tác chiến hỗn hợp trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.