Thông tin trên được đăng tải trong bài viết có tựa đề: "Việt Nam tự chèo con thuyền Kayak của riêng mình" viết bởi 2 tác giả là ông Douglas Barrie - Chuyên viên cao cấp phụ trách mảng Hàng không Vũ trụ Quốc phòng và ông Tom Waldwyn - Chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực phân tích Quốc phòng và Quân đội, họ cùng đến từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).
Theo đó, Việt Nam là quốc gia tiếp theo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chế tạo phiên bản tên lửa chống hạm nội địa dựa trên nguyên mẫu 3M24 Uran (SS-N-25 Switchblade) của Nga (quốc gia đầu tiên chính là Triều Tiên).
Tên lửa chống hạm KCT 15 được chế tạo dựa trên nền tảng 3M24E Uran-E. Ảnh VOV.
Ngoài các thông tin đã biết trước đó, như việc nguyên mẫu KCT 15 được Việt Nam giới thiệu vào cuối năm 2015, thì bài viết trên còn tiết lộ thêm rằng rất có thể chúng ta đã mua giấy phép để sản xuất đủ 3 phiên bản của tên lửa Uran, bao gồm biến thể phóng từ tàu chiến, phóng từ máy bay và phóng từ đất liền (tên lửa bờ).
Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện chỉ có phiên bản Uran-E lắp đặt trên các tàu hộ vệ Gepard 3.9, tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 và BPS-500. Nếu như việc mua giấy phép của cả biến thể phóng từ máy bay và mặt đất thành sự thật thì sẽ mở rộng khả năng đưa loại tên lửa hành trình đối hạm này lên các phương tiện mang phóng khác nhau.
Tên lửa chống hạm Kh-35E (Uran-E)
Với phiên bản phóng từ trên không, Uran-E sẽ là sự bổ sung rất tốt cho Kh-31A trong vai trò vũ khí diệt tàu chiến của Su-30MK2. Bởi vì tuy là một dòng tên lửa không đối hạm rất uy lực nhưng Kh-31A vẫn tồn tại nhược điểm như chỉ có tầm bắn 50 km (so với 260 km của Uran-UE), đầu đạn nhỏ (90 kg so với 145 kg) và mức độ cơ động không cao.
Còn đối với phiên bản đất đối hải, trước đây đã có một số thông tin cho rằng Việt Nam quan tâm đến hệ thống tên lửa bờ Bal-E (sử dụng tên lửa chống hạm Uran-E). Nếu tự chế tạo được biến thể phóng từ đất liền thì đây sẽ là sự bổ sung rất tốt cho Redut cũng như Bastion-P, tạo ra lá chắn thép nhiều lớp bên bờ Biển Đông.