Dự án Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An.
Đây là dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện gió có công suất lớn nhất thế giới. Hai doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án này là Tập đoàn Đồng Tâm Group và Tập đoàn CS Wind (Hàn Quốc). Mới đây, trong ngày 10/9, Đồng Tâm Group đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn CS Wind về việc cho thuê đất để tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió ở KCN Đông Nam Á Long An.
Dự án được coi là một bước tiến lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp điện gió ở Việt Nma. Tống vốn đầu tư trong giai đoạn đầu của dự án này là khoảng 200 triệu USD.
Theo biên bản ghi nhớ trên, Tập đoàn Đồng Tâm sẽ cho thuê 50 ha đất công nghiệp ở Cụm Dự án Cảng quốc tế Long An, đồng thời tạo điều kiện cho Tập đoàn CS Wind xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị điện gió. Được biết, những sản phẩm từ nhà máy này bao gồm có cọc đơn, tháp gió ngoài khơi và những thiết bị chuyển tiếp khác.
Tính đến thời điểm lập dự án, nhà máy được xây dựng tại Long An sẽ có công suất sản xuất thiết bị điện gió lớn nhất trên thế giới. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ cung ứng cho thị trường trên toàn cầu, với công suất sản xuất hàng chục nghìn đơn vị mỗi năm. Mỗi thiết bị được sản xuất ước tính nặng từ 500 – 4.000 tấn.
Theo dự kiến của Tập đoàn CS Wind, 100% thiết bị cũng như phụ kiện sản xuất ở nhà máy này sẽ được tiến hành xuất nhập khẩu thông qua Cảng quốc tế Lông An, với khối lượng ước tính mỗi năm là từ 150.000 – 200.000 tấn. Việc này được kỳ vọng là không chỉ giúp ngành xuất khẩu tại địa phương có cơ hội tăng trưởng mà còn thúc đẩy sự phát triển của logistics cũng như kinh tế vùng.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, khẳng định rằng, dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện gió sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên thực tế, các KCN hiện nay không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. Minh chứng là thu ngân sách từ các KCN chiếm gần một nửa tổng nguồn thu của tỉnh Long An.
CS Wind được coi là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện gió hiện nay. Ông Bang Seong-Hun, Tổng Giám đốc điều hành của CS Wind, chia sẻ Long An là địa điểm thứ hai mà tập đoàn chọn đầu tư ở Việt Nam. Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tập đoàn quyết định hợp tác với Đồng Tâm Group để xây dựng nhà máy trong KCN Đông Nam Á Long An. Dự án cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược mở rộng quy mô sản xuất toàn cầu của CS Wind.
Trước đó, vào năm 2003, Tập đoàn CS Wind thành lập một công ty sản xuất tháp gió đầu tiên ở Việt Nam, với nhà máy sản xuất tháp điện gió ngoài khơi đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), có tổng vốn đầu tư là hơn 70 triệu USD.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, khẳng định rằng, sự hợp tác với CS Wind được coi là một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định sức hấp dẫn của tỉnh Long An đối với các nhà đầu tư quốc tế. Lãnh đạo Đồng Tâm Group cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thứ cấp khi triển khai dự án, để đảm bảo tiến độ cũng như hiệu quả hoạt động của nhà máy
Ngành công nghiệp tiềm năng trên toàn cầu
Theo dự báo của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), trong năm 2023, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trên thế giới đã lắp đặt tổng công suất mới 10,8 gigawatt (GW). Đây cũng là năm có số lượng lắp đặt cao thứ hai, tạo tiền đề cho một thập kỷ có thể phá kỷ lục, với điều kiện là đà tăng trưởng chính sách hiện tại được duy trì.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC, cho biết, việc lắp đặt gần 11 GW điện gió ngoài khơi được coi là lợi thế hàng đầu của làn sóng tăng trưởng gió ngoài khơi mới.
"Tiến bộ về chính sách, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ, đã giúp chúng tôi trên con đường lắp đặt công suất kỷ lục hàng năm và vượt qua mục tiêu 380 GW do Liên minh Gió ngoài khơi Toàn cầu đặt ra. Điều này có nghĩa là năng lượng gió ngoài khơi đang trên đà đạt tham vọng gấp 3 lần được đề ra tại hội nghị COP28 ở Dubai", ông Ben Backwell chia sẻ.
Giám đốc điều hành của GWEC nhấn mạnh, điện gió ngoài khơi giờ đây không chỉ là câu chuyện của riêng châu Âu, Trung Quốc hay Mỹ. Trong năm 2023, GWEC đã chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc ở các thị trường mới, nơi đang có sẵn các động lực chính cho điện gió ngoài khơi, từ các cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng kinh tế bền vững, đến nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cũng như quá trình khử carbon trong ngành công nghiệp.
Việc liên tục mở rộng ngành công nghiệp năng lượng gió ngoài khơi toàn cầu sẽ ngày càng được thúc đẩy một phần bởi các quốc gia mới tham gia, trong đó có bao gồm các nước như Úc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Việt Nam, Colombia, Brazil, Ireland và Ba Lan.
Trong 10 năm tới, theo dự kiến của GWEC, 410 GW công suất điện gió ngoài khơi mới sẽ được lắp đặt. Phần lớn trong số đó sẽ được lắp đặt vào đầu thập kỷ này, với 2/3 được lắp đặt từ năm 2029 - 2033.
Theo phân tích của Bloomberg New Energy Finance (BNEF), với việc Chính phủ các nước trên thế giới đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của năng lượng xanh, dự kiến đến năm 2050, năng lượng gió và mặt trời sẽ đáp ứng được tới 56% nhu cầu điện trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công Thương, việc phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những định hướng quan trọng của Quy hoạch điện 8. Bên cạnh việc giúp hiện thực hóa lộ trình chuyển dịch năng lượng thì phát triển điện gió ngoài khơi còn giúp nước ta khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo, đồng thời phát triển kinh tế biển.
Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu đến năm 2030, nước ta phát triển khoảng 6.000 MW điện gió ngoài khơi và đã định hướng phát triển, hình thành hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có điều kiện (trong đó chủ yếu là điện gió ngoài khơi). Định hướng đến năm 2050, Việt Nam đạt 70.000 MW đến 91.000 MW điện gió ngoài khơi.
Bài tham khảo nguồn: GWEC, BNEF, Moit, CS Wind